MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra khí thải xe máy khi đi bảo dưỡng. Ảnh: Thủy Trúc

Kiểm soát khí thải xe máy: Có làm phát sinh chi phí cho người dân?

PHẠM ĐÔNG LDO | 24/08/2022 08:05

Về việc kiểm soát khí thải xe máy, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội khẳng định chính sách này sẽ không làm phát sinh chi phí cho người dân. Theo lý giải, chi phí từ việc tiết kiệm nhiên liệu có thể bù đắp cho chi phí kiểm tra và bảo dưỡng xe.

Kiểm soát khí thải xe máy thế nào?

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đang xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải xe máy, dự kiến thí điểm từ năm 2024 - 2025.

Theo tìm hiểu của Lao Động, quy trình kiểm tra khí thải xe máy tuân thủ TCVN 11215:2015 và TCVN 6204:2008, và cơ sở dữ liệu được quản lý bằng phần mềm và bởi các cơ quan quản lý liên quan. 

Sở cũng đề xuất phương thức quản lý dữ liệu xe máy đồng thời tại Công an thành phố; Sở GTVT và Công an/xã phường; quản lý khí thải phương tiện bằng hình thức dán tem hoặc nhận diện khác nhau; Kiểm soát thực hiện kiểm định khí thải (kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất); xây dựng các hình thức xử lý vi phạm về khí thải của xe máy.

Trong đó sẽ thiết lập 170 trạm trong trường hợp đo khí thải tất cả các xe máy đăng ký ở thành phố đang lưu hành. Cần có các yêu cầu cơ bản của hệ thống phần mềm; cơ chế phối hợp của các cơ quan trong quản lý, khai thác, cung cấp dữ liệu khí thải. 

Đồng thời đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen, trong đó có thể sử dụng chung với hệ thống camera giao thông hiện có của thành phố. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đầu tư trạm kiểm định khí thải lưu động để xử lý đo ngay bên đường để xử phạt các xe xả khói đen.

Việc bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ giúp giảm lượng phát thải carbon monoxide (CO), Hydro Carbon (HC) và giảm tiêu hao nhiên liệu của xe máy. Có thể phân ra một số loại bảo dưỡng, sửa chữa liên quan đến khí thải của xe như bảo dưỡng định kỳ: thay dầu, lọc gió, bugi; bảo dưỡng sửa chữa lớn: Nếu bảo dưỡng định kỳ không đạt được tiêu chuẩn khí thải thì bắt buộc phải thay thế một số bộ phận của xe như chế hòa khí, xi lanh…

Cần thiết nhưng không để người dân bị "móc túi"!

Không khó để bắt gặp các xe máy cũ nát vẫn đang lưu thông trên khắp các nẻo đường của Thủ đô. Đơn cử như trên trục đường La Thành, nơi có nhiều cửa hàng buôn bán sắt thép, vật liệu xây dựng. Gần như trước mỗi cửa hàng đều có một chiếc xe máy cũ nát sẵn sàng phục vụ việc vận chuyển hàng hóa tại đây.

“Họ chất cả đống sắt thép lên những chiếc xe máy cũ nát rồi hồn nhiên “làm xiếc” ở trên đường. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận ra các xe này không đủ điều kiện để lưu hành, không chỉ mất an toàn giao thông, những chiếc xe “đồng nát” này còn xả khói mù mịt gây ô nhiễm môi trường”, chị Nguyễn Thị Bích, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, cho hay.

Anh Trần Quang Minh - ngõ 20 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy cho biết, nếu thành phố bắt buộc việc kiểm định định kỳ hoặc loại bỏ xe cũ của họ thì người dân sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy nhất định phải làm từng bước, có lộ trình, dựa trên đề xuất ý kiến từ nhiều đơn vị khác nhau.

Trong đó phải có ý kiến từ các địa phương, hiệp hội vận tải, hiệp hội sản xuất xe máy... và đặc biệt là đóng góp của người dân đang trực tiếp sử dụng xe máy. Từng đơn vị phải có những đánh giá thật kỹ lưỡng vấn đề này, cân nhắc nhiều yếu tố để có chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

"Các trạm đo khí thải cần được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng bát nháo, tìm mọi cách "móc túi" người dân. Cứ bảo cái này hỏng, cái kia cần thay để lấy tiền thì rất khó khăn cho người dân. Với nhiều người, vài ba trăm nghìn đồng là số tiền nhỏ, nhưng với những người lao động, bán hàng, 300.000 - 500.000 đồng là số tiền phải nghĩ, đủ để nuôi sống gia đình trong vài ngày" - anh Minh nói.

Nói về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho biết, căn cứ kết quả phân tích và đánh giá, kiểm soát khí thải xe máy thông qua kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ sẽ thu được nhiều lợi ích.

Về mặt kinh tế - xã hội, chính sách này sẽ không làm phát sinh chi phí cho người dân do chi phí từ việc tiết kiệm nhiên liệu. Nếu bảo dưỡng định kỳ sẽ tiết kiệm đến 7% lượng nhiên liệu tiêu thụ, có thể bù đắp cho chi phí kiểm tra và bảo dưỡng xe. Ngoài ra, việc triển khai chính sách này tạo thêm việc làm cho người lao động và doanh thu từ việc kiểm tra và bảo dưỡng xe máy cho đơn vị kiểm định theo quy định pháp luật. 

Về mặt môi trường, chính sách này sẽ giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải. Hơn nữa, chính sách còn giúp giảm gánh nặng ngân sách từ các dịch vụ y tế cho việc khắc phục hậu quả do tác động của ô nhiễm không khí và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn