MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kế hoạch đào tạo, đào tạo lại gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động. Ảnh: PV

Kiên Giang: Đào tạo nghề cho lao động, phục hồi sản xuất sau dịch

NGUYÊN ANH LDO | 01/04/2022 21:12
Kiên Giang - Dự kiến năm 2022, toàn tỉnh mở 255 lớp đào tạo nghề với khoảng 7.500 lao động, tổng kinh phí khoảng 12 tỉ đồng.

UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối tượng đào tạo nghề là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó ưu tiên người khuyết tật và đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, lao động nữ bị mất việc làm...

Người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Riêng các đối tượng ưu tiên tham gia học các chương trình đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng ngoài việc được miễn học phí còn được hỗ trợ thêm tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Đào tạo nghề gắn với tình hình thực tế của từng ngành, vùng, lĩnh vực và địa phương. Ảnh: PV
Việc đưa ra các giải pháp như tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, thị trường lao động trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện cho những cơ sở đào tạo tại địa phương có nhu cầu học nghề cao và có khu, cụm công nghiệp, nhiều doanh nghiệp.

UBND tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ tập trung đào tạo những ngành nghề gắn với việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển mạng lưới đào tạo nghề trong tỉnh. Đào tạo nghề gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng, lĩnh vực và địa phương, gắn với đề án đào tạo nguồn lực... Chuyển mạnh đào tạo nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh có hiệu quả các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Kiên Giang cũng chủ trương chuyển mạnh đào tạo nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động. Ảnh: PV
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi phí sản xuất tăng cao, khó khăn về nguồn lao động cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng hoặc ngưng sản xuất...

Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thời gian tới Kiên Giang sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phục hồi sản xuất kinh doanh và thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn