MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Nguyên Anh

Kiên Giang đổi mới đào tạo, xây dựng chính sách thu hút lao động

NGUYÊN ANH LDO | 22/07/2023 10:19

Từ năm 2021 đến nay, Kiên Giang đã giải quyết việc làm cho gần 91.000 lượt lao động, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực phù hợp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, công tác phát triển nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất trong xã hội được tỉnh tập trung phát triển. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tại các khu, cụm, công nghiệp và khu du lịch, trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động.

Đã giải quyết việc làm (từ năm 2021 đến nay) cho gần 91.000 lượt lao động; thực hiện đào tạo gần 46.000 lượt người, trong đó đào tạo nghề lao động nông thôn là hơn 9.200 lượt người. Đa số lao động nông thôn sau khi được đào tạo đã từng bước tiếp cận với tác phong làm việc theo hướng công nghiệp, ứng dụng được khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Một số lao động đã tự tạo việc làm tại gia đình, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động nông thôn.

Thực hiện đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là trên 2.700 lượt người, trong đó, tập trung đào tạo các ngành có thế mạnh và tiềm năng của tỉnh như công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến thủy sản; cơ khí sửa chữa; điện công nghiệp; công nghiệp may mặc; da giày… góp phần cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề tại các khu, cụm công nghiệp.

Việc thực hiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng nguồn nhân lực tuy đã nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Lao động trực tiếp trong sản xuất xã hội còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cao.

Theo ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên cần có các giải pháp khắc phục những hạn chế như thực hiện đổi mới công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phát triển nguồn nhân lực; Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực trên tất cả các ngành, lĩnh vực...

Ông Lâm Minh Thành cũng yêu cầu phải đổi mới phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; đảm bảo điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động, gắn với đãi ngộ thỏa đáng (điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và đi lại...) để họ yên tâm công tác, phát triển và cống hiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn