MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận hành đóng hoàn toàn các cửa cống Cái Lớn, Cái Bé để ngăn mặn. Ảnh: Nguyên Anh

Kiên Giang đóng cống bảo vệ nước ngọt và mùa màng do mặn xâm nhập nhanh

NGUYÊN ANH LDO | 16/03/2024 12:34

Việc vận hành đóng các cống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không chỉ hạn chế mặn xâm nhập mà còn chủ động bảo vệ nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân.

Độ mặn vượt ngưỡng 1‰, đóng hoàn toàn các cửa van cống

Theo Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, dự báo độ mặn cao nhất mùa khô 2023-2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 3-4.2024 và khả năng kết thúc muộn, mặn xâm nhập sâu vào các ngày triều cường. Dự báo, đợt 2 từ ngày 14-17.3.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam (Công ty) cho biết, trong khoảng thời gian xuất hiện các đợt triều cường, tình hình xâm nhập mặn khu vực thượng lưu cống Cái Lớn vượt ngưỡng 1‰ thì vận hành đóng từ 9 đến đóng hoàn toàn 11/11 cửa van cống Cái Lớn, các phương tiện di chuyển qua âu thuyền.

Các ngày còn lại trong tháng, tùy theo tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn, cống Cái Lớn sẽ vận hành linh hoạt đóng từ 5 đến 7 cửa van cống, tối đa đóng 9 cửa.

Theo ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty - cho biết: “Nếu độ mặn tại trạm cầu Cái Tư vẫn tiếp tục tăng cao >1‰, công ty phối hợp với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau vận hành các cụm cống QP5, QP6, QP7 và QP8 để hỗ trợ tiêu rút mặn”.

Với Cống Cái Bé, trường hợp độ mặn tại trạm Trâm Bầu ≥1‰, thực hiện đóng cống Cái Bé, các phương tiện di chuyển qua âu thuyền. Trong trường hợp đóng cống, khi bèo, rác ứ đọng gây khó khăn, cản trở việc di chuyển của phương tiện giao thông thủy hoặc ô nhiễm nước phía thượng lưu cống (nếu có), công ty chủ động tiến hành mở 2 cửa van cống trong vài giờ để xả ô nhiễm (thực hiện khi thủy triều bắt đầu rút), sau đó tiếp tục đóng kín.

Ngoài ra, trong thời gian cấp nước phục vụ sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, cống âu thuyền Xẻo Rô đóng kín để kiểm soát mặn, trữ ngọt.

Kiểm soát chặt chẽ vận hành cống, hạn chế thiệt hại cho người dân

Theo công ty, khi đóng hoàn toàn cống Cái Lớn, Cái Bé, mực nước tại trạm hạ lưu cống Cái Lớn tăng cao khả năng vượt +1,20m. Dự báo tình trạng ngập xảy ra ở các vị trí trũng thấp khu vực hạ lưu (phía biển), như dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn, cống Xẻo Rô (phía biển, bờ An Biên), gồm các xã Hưng Yên, xã Tây Yên A có khoảng 400 hộ bị ảnh hưởng ngập úng sân vườn, nhà khoảng 20-30cm.

Dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn (phía biển, bờ Châu Thành), cống Cái Bé gồm: xã Bình An, xã Vĩnh Hòa Phú có 700 hộ dân bị ảnh hưởng ngập úng, mức độ ngập khoảng 20cm. Đối với các diện tích sản xuất (lúa, khóm), khoảng 200ha bị ảnh hưởng do đê bao thấp, các xã hạ lưu (phía biển) thuộc huyện Châu Thành, An Biên.

Ông Nguyễn Việt Anh cũng thông tin, trong quá trình thực hiện, Công ty giao Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện, phân công vận hành, kiểm tra giám sát thường xuyên diễn biến mực nước, chất lượng nước và vận hành các cống theo kế hoạch. Công ty cũng đề nghị UBND huyện Châu Thành, An Biên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trong nâng cao tạm thời bờ bao ở các nơi xung yếu...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn