MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà dân bị sạt lở, sụt lún trên địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Ảnh: Xuân Nhi

Kiên Giang giao việc cho từng đơn vị liên quan tăng cường chống hạn, mặn

NGUYÊN ANH LDO | 14/04/2024 14:15

Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo, tập trung triển khai các nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Trước tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất người dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải tăng cường ngay các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân vùng ảnh hưởng. Chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.

Chỉ đạo vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi để điều tiết nguồn nước, đánh giá ảnh hưởng của tình trạng hạ thấp mực nước trên các tuyến sông, kênh, rạch đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi để có giải pháp khắc phục, bảo đảm hoạt động của công trình thủy lợi.

Ngoài ra, ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.

Các tuyến đường giao thông nông thôn bị đứt gãy, sụt lún gây trở ngại cho đời sống. Ảnh: Xuân Nhi

Sở Giao thông Vận tải phải xử lý, khắc phục các tình huống sụt lún, sạt lở tuyến đê bao ngoài vùng đệm U Minh Thượng để hạn chế thiệt hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng; có biện pháp bảo vệ, không để người dân, phương tiện vận tải vào khu vực sụt lún, sạt lở.

Các sở, ngành liên quan nghiên cứu, triển khai phương án để từng bước chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để.

Trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác.

Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.

Riêng UBND huyện U Minh Thượng phải triển khai lực lượng bảo vệ các điểm sụt lún, sạt lở trọng điểm nguy hiểm; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác khu vực các điểm sụt lún, sạt lở trên địa bàn xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận; kiên quyết không để người dân, phương tiện vận tải hàng hóa vào khu vực sạt lở.

Kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống quanh khu vực rạn nứt hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vùng đệm để vận động, tuyên truyền di dời đến nơi an toàn nhằm bảo vệ tài sản nhà nước và người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sụt lún, sạt lở gây ra.

Tính đến ngày 13.4, trên địa bàn huyện U Minh Thượng đã có 355 điểm sạt lở, rạn nứt với chiều dài hơn 8.700m; 31 căn nhà bị sạt lở, sụt lún, ước tổng thiệt hại khoảng hơn 90 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 10.4, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cũng đã ký Quyết định (hỏa tốc) số 839 công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn