MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nhiều nơi ở Kiên Giang đang lao đao vì ảnh hưởng của bão gây thiệt hại cho sản xuất rất lớn. Ảnh: PV

Kiên Giang: Hơn 10.000ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng bị thiệt hại

NGUYÊN ANH LDO | 18/10/2020 15:51

Do ảnh hưởng cơn bão số 6, số 7, áp thấp nhiệt đới mà bà con trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã bị thiệt hại rất nhiều trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Thông tin từ báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang đến cuối giờ chiều hôm qua 17.10 tình hình sản xuất của bà con ở 1 số huyện chịu ảnh hưởng nặng.

Trong sản xuất nông nghiệp, tổng thiệt hại gần 9.000ha xảy ra ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, Kiên Lương. Trong đó, thiệt hại lúa hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch, lúa mùa và đông xuân gieo sạ mới, rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp, lúa trên nền đất tôm.

Gần 1.500ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do nước ngập bờ vuông nuôi, chủ yếu là tôm nước lợ và cá nước ngọt trên địa bàn huyện U Minh Thượng. U Minh Thượng cũng là huyện có diện tích trồng trọt thiệt hại lớn nhất tỉnh trên 7.600ha.

Theo tình hình mưa lớn kèm dông kéo dài nhiều ngày qua, tình trạng ngập nước vẫn chưa giảm, lúa của bà con nông dân bị ngập không thu hoạch được nguy cơ bị úng, thất mùa. Diện tích mới gieo sạ thì ngập hoàn toàn, người dân bất lực trước diễn biến thời tiết khó lường.

Ứng phó với tình hình trên, các ngành chức năng của địa phương đã thành lập đoàn công tác cùng các đơn vị có liên quan khảo sát tình hình thiệt hại trên địa bàn huyện U Minh Thượng và các huyện khác để có biện pháp xử lý. Chỉ đạo trực tiếp, kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lớn kéo dài, để chống ngập úng cho sản xuất, nhất là các diện tích lúa đông xuân mới gieo sạ ở vùng U Minh Thượng. Tổ chức trực ban theo dõi sát diễn biến mưa, triều cường gây ngập úng cho sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, gió mạnh gây sập nhà, tốc mái... để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Trước mắt kiểm tra toàn bộ các tuyến, khu vực dân cư ngập nặng để khuyến cáo triển khai các giải pháp ứng phó như: xem xét cho học sinh tạm nghỉ học, kê các vật dụng trong nhà bị ngập, nhất là an toàn điện, vật tư nông nghiệp, trông giữ trẻ...

Chỉ đạo việc thu hoạch nhanh lúa hè thu đang trong giai đoạn chín, gia cố bờ bao, bơm tát cho các diện tích lúa mùa, đông xuân bị ngập và rau màu, cây ăn trái. Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây lúa, rau màu bị ngập úng để hạn chế thiệt hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn