MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng dụng công nghệ nuôi xa bờ, tận dụng tiềm năng mặt nước tạo ra sản lượng lớn cho nghề nuôi biển. Ảnh: PV

Kiên Giang: Khuyến khích rẽ từ nghề nuôi biển truyền thống sang hiện đại

NGUYÊN ANH LDO | 06/05/2022 16:25
Kiên Giang - Nếu chuyển từ nghề cá nhân dân (tính truyền thống) sang nghề cá thương mại (doanh nghiệp là chủ thể) sẽ là giải pháp để tỉnh phát triển nghề nuôi biển, phát triển thế mạnh kinh tế biển.

Kiên Giang có vùng biển rộng lớn, thời tiết, tương đối thuận lợi, ít mưa bão, có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao... là tiềm năng lợi thế để phát triển nghề nuôi biển. 

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, nghề nuôi biển còn nhiều hạn chế như cách nuôi bằng lồng, bè hầu hết theo kiểu truyền thống (bằng gỗ) nên chưa đảm bảo độ an toàn, độ bền, dễ gặp rủi ro nếu có bão. Theo thói quen và kinh nghiệm truyền nhau, người nuôi thường cho ăn bằng cá tạp còn con giống nhập từ nơi khác về nên vấn đề số lượng, chất lượng chưa đảm bảo.

Theo thống kê, năm 2021, diện tích nuôi biển của tỉnh khoảng 21.000 ha, sản lượng hơn 69.000 tấn trong đó nuôi nhuyễn thể sản lượng trên 66.000 tấn, lồng nuôi trên biển sản lượng trên 3.000 tấn. Có những thời điểm, người nuôi biển gặp sự cố, thiệt hại khá lớn hoặc có những thời điểm sản lượng đạt cao nhưng giá thành lại bị hạ thấp. Sản phẩm làm ra nhưng thiếu chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ dẫn đến kết quả mang lại chưa cao.

Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và các ngành chuyên môn, một trong những giải pháp để tỉnh phát triển nghề nuôi biển chính là chuyển từ nghề cá nhân dân có tính chất tự phát, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, ngư dân là chủ thể sang nghề cá thương mại mang tính bền vững, công nghệ cao, quy mô lớn, doanh nghiệp là chủ thể.

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc đánh bắt sẽ khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt vì vậy triển khai nuôi biển là giải pháp để chuyển đổi ngành, nghề ngư dân trở thành những người nuôi biển, ổn định cuộc sống. UBND tỉnh cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ tại TP Phú Quốc, huyện Kiên Hải. 

Để phát triển nghề nuôi biển cũng như góp phần phát huy thế mạnh kinh tế biển, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cũng đề xuất các ý kiến giải pháp cho Kiên Giang trong đó cần có cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ nuôi xa bờ, tận dụng tiềm năng mặt nước tạo ra sản lượng lớn.

Theo UBND tỉnh, quần đảo Nam Du đã được chọn để triển khai thực hiện dự án nuôi biển công nghiệp, vốn đầu tư dự kiến khoảng 25 triệu USD, quy mô 325ha mặt nước biển. Dự án gồm 4 hợp phần: Xây dựng trại giống, nuôi thương phẩm, trạm hậu cần và nhà máy chế biến. Dự kiến tạo 2.000 việc làm cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn