MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kiểm soát hiệu quả nguồn nước, nhất là trong mùa khô. Ảnh: Nguyên Anh

Kiên Giang lên phương án sớm đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô

NGUYÊN ANH LDO | 16/02/2024 12:53

Công tác phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập và tình hình sản xuất nông nghiệp, cấp nước mùa khô 2023 - 2024 được Kiên Giang quan tâm chủ động lên phương án, kế hoạch từ sớm.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã có chuyến công tác thăm một số đơn vị và kiểm tra công trình trọng điểm dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024.

Đoàn công tác đã thăm đơn vị quản lý và điều hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, huyện Châu Thành. Theo UBND tỉnh, đơn vị đã phối hợp tốt với tỉnh trong công tác vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kiểm soát hiệu quả nguồn nước, nhất là trong mùa khô, tình hình thời tiết biến đổi bất thường, xâm nhập mặn dự báo tăng cao.

Để ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024, Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, cống Xẻo Rô và hệ thống cống tuyến đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt phù hợp yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực.

Thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm mặn xâm nhập, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt vùng nông thôn. Ưu tiên cân đối nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024. Tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi bơm tưới...

Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, độ mặn trên các sông có xu thế tăng, độ mặn phổ biến cao hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm từ 1,5 - 8,5‰.

“Đến thời điểm hiện tại, tình hình sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân cơ bản đảm bảo. Ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với tình hình hạn mặn như vận hành các cống trên địa bàn hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt; đắp mới, gia cố đập đất ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa và nước sinh hoạt cho người dân”, ông Toàn cho hay.

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cùng các mạnh thường quân bàn giao giếng nước khoan cho các hộ dân khó khăn xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất hồi cuối năm 2023. Ảnh: Nguyên Anh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tổng nhu cầu kinh phí để triển khai thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn ứng phó với hạn, mặn giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh hơn 97 tỉ đồng. Ngoài các công trình, dự án của tỉnh thực hiện cấp nước cho người dân thì các đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân cũng đóng góp kinh phí hỗ trợ cho người dân vùng hạn bị thiếu nước (khoan giếng, tặng bồn chứa) góp phần cùng địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội.

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), các huyện thường xuyên bị nhiễm mặn trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành của tỉnh Kiên Giang. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 - 3.2024, sông Cái Lớn vào tháng 3 - 4.2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn