MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó hạn, mặn. Ảnh: PV

Kiên Giang: Mặn sẽ xâm nhập mạnh từ nay đến hết tháng 4

NGUYÊN ANH LDO | 28/02/2022 06:27

Kiên Giang - Ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Theo nhận định của viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mùa khô 2021 - 2022 mặn xâm nhập sớm hơn trung bình nhiều năm nhưng mức độ xâm nhập sẽ không gay gắt như năm 2019 - 2020. Trước tình hình đó, ngay đầu mùa khô năm nay Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với những tình huống hạn, mặn có thể xảy ra.

Việc vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, Giang Thành, Thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé (Châu Thành), vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đã giúp đảm bảo phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2021 - 2022.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, thời gian qua trung ương và tỉnh đã đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng giúp kiểm soát mặn hiệu quả đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân như hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Sông Kiên, hồ chứa nước ngọt và hệ thống cấp nước liên xã trên địa bàn huyện An Minh... Đến nay tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất, nguồn nước được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu nước như các năm trước. 

Theo chia sẻ của người dân, vào những tháng cao điểm mùa khô trước đây người dân phải gồng mình mua nước ngọt sinh hoạt với giá từ 40 - 60 ngàn đồng/m3 nhưng chưa chắc có nước để mua. Chị Trần Vân Anh, xã Đông Hưng A, huyện An Minh chia sẻ: “Mùa khô là phải chắt chiu từng giọt nước, dân rất khổ. Giờ có hệ thống cấp nước rồi dân đỡ gánh nặng chuyện thiếu nước, an tâm sản xuất hơn”.

Hồ chứa nước ngọt và hệ thống cấp nước liên xã trên địa bàn huyện An Minh giúp đảm bảo nguồn nước cho người dân. Ảnh: PV

Tuy nhiên, vào đầu tháng 2, trước tình hình hạn mặn trở nên gay gắt, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất tỉnh đã cho vận hành đóng cống Cái Lớn tạm thời để khống chế độ mặn tại khu vực xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao) dưới mức 5‰, vận hành đóng cống Cái Bé khi độ mặn tại kênh Trâm Bầu lớn hơn 1‰.

Ngoài ra, các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng do mặn xâm nhập đã chủ động tiến hành gia cố đắp mới các đập ngăn mặn để bảo vệ diện tích lúa mùa và lúa đông xuân. Theo dự báo mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sẽ tăng mạnh từ nay đến tháng 4.2022, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 4 mức tương đương mùa khô 2020 - 2021.

Hiện nay toàn tỉnh đã gieo sạ xong vụ lúa Đông Xuân với diện tích trên 283.000ha. Các địa phương đã thu hoạch đạt hơn 10% diện tích gieo trồng. Đa số diện tích lúa còn lại vẫn còn 1 đến 2 đợt bơm lấy nước vào ruộng, do đó vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa ở những trà lúa sạ trễ.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với các tình huống mặn xâm nhập. Các địa phương phải cập nhật thường xuyên diễn biến nguồn nước, lịch đóng mở các cống để người dân chủ động trong việc bơm nước phục vụ sản xuất. Khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra nguồn nước, độ mặn trước khi bơm vào ruộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn