MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn công tác của Sở NNPTNT thăm, tặng quà cho ngư dân. Ảnh: Nguyên Anh

Kiên Giang quy hoạch lại nghề cá trước nguy cơ khai thác tận diệt

NGUYÊN ANH LDO | 09/07/2024 11:30

Định hướng phát triển thủy sản Kiên Giang sắp tới dựa vào 3 trụ cột chính là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tỉnh quán triệt, đảm bảo tăng trưởng trong lĩnh vực thủy sản.

Kiên Giang có đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất nước với hơn 8.200 chiếc đã được đầu tư hiện đại hóa, cơ giới hóa; đẩy mạnh khai thác tại vùng khơi, duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2023 là hơn 437.000 tấn, số lao động trong lĩnh vực này là trên 70.000 người.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nghề này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tàu thuyền phát triển tự phát không theo quy hoạch dẫn đến mất cân bằng về nghề trên các ngư trường; nguồn lợi thủy sản suy giảm rất nghiêm trọng; các nghề cấm, nghề khai thác hủy diệt vẫn còn diễn ra nhiều...

Anh Danh Hường, ngư dân ở huyện Châu Thành chia sẻ: “Chúng tôi đi biển 3-4 tháng mới vô bờ mà tôm cá giờ cạn kiệt quá, đánh bắt thấp nên thu nhập giảm, đời sống khó khăn không đủ chăm lo gia đình”.

Từ thực trạng trên, việc tổ chức cải tổ hệ thống, tổ chức quy hoạch lại nghề đánh bắt cá là rất cấp thiết, qua đó sẽ gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NNPTNT - cho hay, định hướng tới tỉnh sẽ sắp xếp lại đội tàu theo hướng giảm về số lượng, tập trung giảm tàu có công suất nhỏ khai thác ở vùng biển ven bờ vùng lộng. Chuyển một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang nghề đánh bắt thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, không cho đóng mới tàu cá và không cho phát triển thêm tàu cá làm nghề lưới kéo. Đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ để giảm tổn thất sau thu hoạch, ứng dụng các công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm trên tàu.

Hướng dẫn ngư dân liên kết tổ chức sản xuất theo tổ, đội hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, phối hợp tìm kiếm cứu nạn, thông tin ngư trường, giá cả và dịch vụ hậu cần khai thác nguồn lợi trên biển.

Tỉnh cũng xây dựng Đề án chuyển đổi nghề khai thác hải sản sang nghề ngoài khai thác hải sản và nghề khai thác hải sản khác ít ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái để làm cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng chuyển đổi nghề. Hàng năm, tổ chức thả con giống thủy sản xuống thủy vực để tái tạo nguồn lợi thủy sản; thành lập 3 khu bảo tồn biển theo quy hoạch; tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường chống khai thác IUU.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: Cả hệ thống chính trị Kiên Giang đã vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao, đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ việc thành lập Tổ tuyên truyền về công tác chống khai thác IUU đến việc thành lập Ban chỉ đạo về IUU tỉnh. Đặc biệt là thành lập Chi cục Kiểm ngư trực thuộc Sở NNPTNT là đơn vị đầu tiên trên cả nước nhằm tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn