MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiên Giang đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% năm 2024. Ảnh: Xuân Nhi

Kiên Giang quyết liệt giải ngân hơn 10.000 tỉ đồng vốn đầu tư công

NGUYÊN ANH LDO | 05/03/2024 09:34

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tổng kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh khoảng trên 10.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương trên 8.800 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương trên 1.200 tỉ đồng.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã có chuyến đi kiểm tra thực tế các công trình lớn ở Phú Quốc như Quảng trường trung tâm và Tượng đài Bác Hồ, công trình lưới điện 110kV - 220kV cấp điện cho TP Phú Quốc, Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc.

Trong đó, dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc có tổng mức đầu tư dự án hơn 1.600 tỉ đồng, phần vốn ngân sách địa phương 70%. Dự án thực hiện từ năm 2015 đến 2025, lũy kế đến nay đạt hơn 80% khối lượng của dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổng hợp báo cáo các trường hợp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đề xuất hướng xử lý… đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thi công đạt yêu cầu và thời gian đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, nguồn vốn đầu tư công sẽ làm hoàn thiện các hạ tầng quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiên Giang cũng đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% năm 2024.

Theo ông Thành để thực hiện đạt mục tiêu này sẽ có nhiều khó khăn, do đó cá nhân, đơn vị liên quan phải đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể, chi tiết, giải quyết những tồn tại, vướng mắc của năm 2023 để thực hiện tốt hơn trong năm 2024.

Ông Huỳnh Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang - cho hay, năm 2023, vốn đầu tư công là gần 6.700 tỉ đồng, chiếm trên 15,5% vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tỉ lệ cao một phần do cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia ban hành chưa kịp thời, đầy đủ. Việc giao kế hoạch vốn các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, nhiều dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nhỏ lẻ, nằm ở vùng sâu, vùng xa. Giá một số nguyên vật liệu tăng cao, khan hiếm nguồn cung cấp.

Theo ông Vũ, những tồn tại hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công vì một số sở, ban, ngành và địa phương, đơn vị được giao quản lý vốn chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành trong công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt, thiếu các khu bố trí tái định cư...

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương khẩn trương phê duyệt danh mục dự án đầu tư phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024 có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại một số địa phương đang có dự án trọng điểm như: Rạch Giá, Hòn Đất, Phú Quốc...

Xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn vướng mắc, tái định cư cho người dân, thực hiện hài hòa giữa lợi ích của người dân và Nhà nước theo pháp luật. Lựa chọn các nhà thầu tư vấn, thi công có đủ năng lực, kiên quyết cắt hợp đồng các đơn vị yếu kém, chậm trễ không có lý do chính đáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn