MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô cần chi tiết, chặt chẽ xác với điều kiện thực địa. Ảnh: PV

Kiên Giang: Thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô

NGUYÊN ANH LDO | 29/12/2020 13:36
Để chuẩn bị cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2021 được an toàn, Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy rừng địa bàn huyện Hòn Đất.

Đánh giá sát tình hình và nguy cơ

Theo số liệu từ Ban quản lý rừng Kiên Giang, tổng diện tích rừng đơn vị quản lý là: 5.963,27ha gồm 03 hệ sinh thái: Hệ sinh thái thường xanh mưa ẩm nhiệt đới vùng đồi núi - hải đảo và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Trong đó khu rừng có nguy cơ cháy cao là rừng tràm ngập phèn trên địa bàn xã Nam Thái Sơn và xã Bình sơn có diện tích khoảng 4.297, 42ha. Hiện đã giao khoán cho Công ty cổ phần gỗ MDF là: 1.443,8ha và 224 hộ gia đình với diện tích là 1.123ha; Diện tích còn lại trên 1.730ha Ban quan lý rừng Kiên Giang là chủ quản lý.

Khu vực rừng tràm thuộc Ban quản lý rừng Kiên Giang quản lý có lớp thực bì dày, cây rừng chủ yếu là cây tràm rất dễ cháy. Thảm thực bì gồm cỏ lác, bòng bông, năng, cành nhánh khô nên nguy cơ cháy, cháy lan vào mùa khô là rất cao. Khu rừng có hệ thống kênh đê bao quanh và kênh phân lô cản lửa nhưng trong trường hợp hạn hán, thiếu nước vào mùa khô thì việc tuần tra quản lý bảo vệ rừng và nguồn nước phòng cháy, chữa cháy phải đảm bảo. Làm sao giữ nước trong vùng lõi và bơm nước ở kênh ngoài vào nhằm tạo độ ẩm cho cây và tăng cường khả năng phòng cháy chữa cháy rừng.

Tuy nhiên, những nguy cơ gây ra cháy rừng ở các tiểu khu 22, 23, 24A thuộc xã Nam Thái Sơn và tiểu khu 21 xã Bình Sơn thuộc diện tích rừng do Ban quản lý rừng Kiên Giang quản lý là rất cao. Theo thống kê trong vòng 5 năm, giai đoạn 2016-2020 khu rừng do Ban quản lý rừng Kiên Giang quản lý đã xảy ra 4 vụ cháy thiệt hại khoảng 295, 87 hecta. Ông Hồ Văn Hoàng, Trưởng phòng quản lý, bảo vệ rừng Chi cục Kiểm Lâm Kiên Giang cho biết: “Do xung quanh là ruộng lúa, tình trạng đốt đồng, bắt ong lấy mật của người dân gây ra không ít vụ cháy rừng, rất khó kiểm soát. Mặc khác, quản lý diện tích rừng lớn nhưng lực lượng nhân viên canh phòng lại ít, khi phát hiện xảy ra cháy lực lượng xử lý dập lửa tại chỗ không đảm bảo để ngăn đám cháy”.

Xây dựng phương án chi tiết, chặt chẽ

Theo Ban quản lý rừng Lâm trường 422 thuộc Sư đoàn 4, đơn vị đã quản lý tổng diện tích rừng của dự án là: 2.786ha, trong đó rừng phòng hộ 2.297ha và rừng sản xuất 311ha. Diện tích rừng thuộc phạm vi dự án hầu hết đã được quy hoạch kênh mương, hệ thống cống, chủ động và thuận lợi trong việc đi lại tuần tra và cơ động đưa phương tiện, lực lượng khi tình huống cháy xảy ra. Tuy nhiên nguy cơ cháy như rừng của các đơn vị trong khu vực huyện Hòn Đất vẫn khá cao.

Trên tình hình thực tế, các thành viên đoàn thẩm định phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2021 của Ban quản lý rừng Kiên Giang cũng cần xây dựng đầy đủ, cụ thể. Nhất là công tác phòng cháy cũng như chi tiết của các tình huống giả định để khi có xảy ra cháy triển khai phương án phối hợp chữa cháy hiệu quả nhất, tránh thiệt hại lớn đến diện tích rừng đơn vị quản lý.

Từ những đóng góp về xây dựng nội dung phương án phòng cháy mùa khô năm 2021 của Ban quản lý rừng Kiên Giang và Lâm trường 422, ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tỉnh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng đã thống nhất các vấn đề trọng tâm. Ông Tuấn cho biết: “Chúng ta cần phải bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh phương án để trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký duyệt. Phương án càng chi tiết, chặt chẽ xác với điều kiện thực địa diện tích rừng đơn vị mình quản lý thì việc phòng cháy, chữa cháy cũng chủ động hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn