MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kiến nghị cân nhắc việc cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi

NGỌC ÁNH LDO | 12/04/2023 18:50

Trong Hội thảo góp ý cho dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 12.4, nhiều đại biểu có những ý kiến đóng góp xoay quanh việc sửa đổi thông tin trên Căn cước công dân (CCCD), quê quán, nơi thường trú và bổ sung quy định về cấp CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi...

Cần xem xét, đánh giá tác động của việc sửa đổi

Đa số đại biểu đều đồng tình với những đề xuất sửa đổi cho dự án Luật Căn cước công dân. Song nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ những tác động của việc thay đổi đối với công tác quản lý công dân, đặc biệt những sửa đổi trong dự thảo liệu có gây phiền hà, khó khăn cho người dân hay không.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Ảnh: Khánh Linh

Nói về vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh - cho biết: “Trong dự thảo Luật Căn cước công dân, phần quê quán được đề xuất ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú, vậy trong trường hợp người dân thay đổi nơi ở thì có ảnh hưởng đến công tác quản lý con người của cơ quan chức năng hay không. Nơi cư trú có thể là thường trú hoặc tạm trú, như vậy làm sao để phân biệt được quy định thường trú và quy định tạm trú”.

Bà Hương cũng lấy ví dụ, hiện nay, một số giao dịch của người dân vẫn phải theo nơi thường trú, đơn cử như trong giao dịch bất động sản, tuy nhiên trong CCCD thì chỉ ghi nơi cư trú, nên những vấn đề trên cần phải được xác định rõ.

Liên quan đến quy định lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ CCCD, bà Hương cho rằng cần phải nghiên cứu, rà soát lại các điều luật, luật liên quan đến phần nhân thân của công dân để không gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công dân.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh đóng góp nhiều ý kiến vào dự án sửa đổi Luật Căn cước công dân. Ảnh: Khánh Linh

Cân nhắc việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi

Về người được cấp thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước... Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Trước nội dung này, bà Huỳnh Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Công an Quận 8 - góp ý cần nghiên cứu bổ sung quy định về cấp CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi. Theo bà Trang, trẻ dưới 14 tuổi hiện nay sẽ dùng giấy khai sinh trong các giao dịch thay thế CCCD, việc cấp thêm CCCD sẽ gây lãng phí.

Bên cạnh đó, trong độ tuổi từ 6-14 tuổi, việc thu sinh trắc gây nhiều khó cho lực lượng chức năng, hầu hết trong mọi hoạt động giao dịch đều cần người giám hộ, diện mạo và hình ảnh của công dân trong độ tuổi này cũng thay đổi theo từng năm nên khi làm CCCD rất khó nhận diện.

Một số đại biểu cũng đồng tình với đề xuất CMND cũ sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Theo đó, nhiều người dân dù được cơ quan địa phương đến tận nhà để vận động đi làm CCCD nhưng nhiều người vẫn trì hoãn. Việc này được các đại biểu đánh giá sẽ gây ảnh hưởng đến chính quyền lợi của người dân, nên cần quy định như vậy để đôn đốc người dân bỏ CMND cũ và đi làm CCCD.

Thượng tá Hồ Thị Lành - Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP Hồ Chí Minh - thông tin, tính đến ngày 4.4.2023, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận giải quyết cấp CCCD tổng số 9.911.976 trường hợp, trong đó 2.720.377 CCCD mã vạch, 7.191.599 CCCD gắn chíp điện tử và cấp 1.799.187 tài khoản định danh điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn