MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày 1.11.2020, con công nhân khu công nghiệp đang học Mầm non sẽ được Nhà nước hỗ trợ 160.000 đồng/tháng. Trong ảnh là con công nhân ở nhà trẻ Công ty CP may Hưng Yên. Ảnh: Hải NGuyễn

Kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng

Cẩm Văn - Đặng Tiến LDO | 26/10/2020 09:35
Để các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định 105 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ có thể phát huy hiệu quả, sớm đến được gia đình công nhân khu công nghiệp có con đang học mầm non và giáo viên trên địa bàn, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội kiến nghị mở rộng đối tượng. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt để gói hỗ trợ đến tay người thụ hưởng nhanh nhất có thể.

Cần đến 40 ngày để duyệt danh sách

Theo Nghị định 105, dù có hiệu lực từ ngày 1.11.2020 tới đây, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non như chính sách hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng cho con công nhân (CN) làm việc tại khu công nghiệp (KCN) đang học mầm non và hỗ trợ 800.000 đồng/tháng cho giáo viên mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ chưa thể triển khai ngay trong năm 2020. Bởi để có thể nhận được số tiền hỗ trợ này, quá trình rà soát và xây dựng danh sách các đối tượng được thụ hưởng phải được thực hiện từ tháng 8 hằng năm và sau đó mới trải qua các khâu xét duyệt từ cơ sở giáo dục Mầm non, đến phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang quản lý trực tiếp để xem xét, tổng hợp. Danh sách hồ sơ này sau đó mới được chuyển đến cơ quan tài chính cùng cấp để trình UBND cấp huyện quyết định phê duyệt. Sau giai đoạn này, UBND cấp huyện mới tiến hành phê duyệt danh sách trẻ mầm non được hưởng trợ cấp và nếu thông qua mới chuyển trả kết quả về cho cơ sở giáo dục Mầm non.

Như vậy, trải qua 4 bước xét duyệt từ cơ sở giáo dục đến khi UBND cấp huyện phê duyệt và trong trường hợp suôn sẻ, danh sách trẻ mầm non được hưởng trợ cấp cần đến tối đa 39 ngày mới có thể được xét duyệt thông qua. Chỉ đến khi được xét duyệt, các cơ sở giáo dục mới có thể tiếp nhận kinh phí và chi trả kinh phí trợ cấp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh. Và phải sau đó một thời gian nữa, theo quy định phải đến tháng 11-12 hằng năm, cha mẹ trẻ mầm non mới có thể nhận được tổng số tiền 640.000 đồng cho 4 tháng đầu và lần nhận tiếp theo phải chờ đến tháng 3-4 năm sau!

Giám sát chặt chẽ, sửa ngay khi có bất cập

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nói rằng, để triển khai tốt chương trình hỗ trợ theo Nghị định 105 của Chính phủ, yêu cầu đầu tiên là phải rà soát thống kê chính xác đối tượng thụ hưởng tại từng địa phương, đồng thời xây dựng một cơ chế giám sát chặt chẽ để không bỏ sót cũng như không hỗ trợ nhầm đối tượng thụ hưởng.

Đối với việc chỉ có con CN trong các khu công nghiệp (KCN) được thụ hưởng, ông Tiến bày tỏ quan điểm, nếu là toàn bộ con CN nói chung đều được thụ hưởng trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 sẽ phù hợp hơn. Bởi con CN tại các doanh nghiệp ngoài KCN có khi khó khăn hơn vì họ không được hỗ trợ nhà trẻ, nhà ở (cư xá). Nếu chính sách được mở rộng đến mọi CN, đặc biệt là những doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn của COVID-19 sẽ đảm bảo công bằng hơn đối với đối tượng CN.

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ, tỉnh Thái Nguyên đang thiếu khoảng 4.700 giáo viên. Hằng năm, tỉnh phải bỏ ra khoảng gần 300 tỉ đồng để trả lương cho các giáo viên hợp đồng 9 tháng. Để làm được việc này, HĐND tỉnh phải thông qua cơ chế. Vấn đề bất cập này xuất hiện từ lâu và nếu chiểu theo quy định, địa phương hiện không có đủ số lượng giáo viên đứng lớp.

Ông Hùng cho rằng, giáo viên đứng lớp hợp đồng sẽ khó đảm bảo chất lượng dạy học và phải nằm trong chỉ tiêu biên chế, gắn bó cả cuộc đời họ vào sự nghiệp giáo dục mới tâm huyết được. Trong bối cảnh chế độ chính sách như vậy và tiền lương thấp, khoản hỗ trợ thêm 800.000 đồng/tháng rất khó để có sản phẩm tốt cho xã hội.

Để triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ cho con CN, ông Hùng đề xuất cần phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Vì hiện nay, nhiều KCN đang tuyển lao động địa phương làm việc và thực tế những lao động này đời sống cũng không quá khó khăn để cần hỗ trợ. Nhiều CN làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng có đời sống rất khó khăn lại không nằm trong diện được hỗ trợ, đây là bất bình đẳng.

Do vậy, cần phải rà soát lại cơ chế chính sách để công bằng, hài hoà và ổn định để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. “Hiện chính sách chưa bao trùm, do đó cần phải nghiên cứu kỹ, nếu có bất cập cần sửa sớm để đặt ra các tiêu chí hợp lý công bằng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ở khía cạnh ngân sách thực hiện, TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện TNMT và phát triển cộng đồng - cho rằng, cần nghiên cứu mở rộng diện đối tượng thụ hưởng ra trong điều kiện có thể, bởi diện con CN khó khăn không chỉ ở các KCN mà còn có cả ở khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa… để công bằng và hỗ trợ đúng đối tượng hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn