MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc bỏ “quê quán” trên thẻ căn cước nhận được nhiều sự đồng thuận từ các đại biểu và chuyên gia. Ảnh: Hữu Chánh.

Kiến nghị sửa quê quán thành nơi sinh trên Căn cước công dân

LÂM ANH LDO | 14/04/2023 10:48
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã đề ra nhiều quy định về Căn cước công dân (CCCD), đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ các đại biểu và chuyên gia, bởi việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thực hiện các giao dịch của công dân cũng như yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về dân cư trong tình hình mới.

Gần đây, nhiều người dân, tầng lớp trí thức, chuyên gia đang tập trung đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Căn cước công dân, về một số nội dung liên quan đến quản lý thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước, các nội dung thể hiện trên thẻ CCCD, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi…

Đề xuất xóa bỏ nội dung “quê quán” trên thẻ căn cước của dự thảo nhận được sự đồng thuận cao. Ông Lưu Đức Quang - Giảng viên Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xóa bỏ nội dung “quê quán” trên CCCD sẽ góp phần xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch, vùng miền. Đây là một quyết định rất tiến bộ của Ban soạn thảo dự thảo Luật. 

Cũng ở đề xuất thay đổi nội dung quê quán trên thẻ CCCD thành nơi đăng ký khai sinh, bà Huỳnh Thị Thu Trang - Phó trưởng Công an Quận 8, TPHCM, cho rằng việc sử dụng thông tin nơi đăng ký giấy khai sinh trên thẻ CCCD là chưa hợp lý.

"Theo quy định của pháp luật hiện hành và thực tế, một người làm mất giấy khai sinh có thể đăng ký lại ở một nơi khác và trong trường hợp này có thể dẫn đến sự thay đổi thông tin về nơi đăng ký giấy khai sinh" - bà Trang cho hay.

Góp ý thêm về nội dung này, ông Lưu Đức Quang kiến nghị nên thay nội dung "quê quán" hiện nay bằng "nơi sinh", thay vì thông tin “nơi đăng ký khai sinh” như dự thảo hiện nay. Lí giải về ý kiến này, ông Quang cho rằng việc ghi thông tin nơi sinh có cơ sở khoa học hơn cho việc nhận diện công dân và giúp hạn chế sự trùng lặp trường thông tin, trùng người.

Theo ông Quang, việc ghi thông tin “nơi sinh” trên CCCD đảm bảo sự thống nhất, tương thích giữa 2 loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân là căn cước và hộ chiếu. Khi thực tế hiện nay, các nước trên thế giới cũng áp dụng việc ghi nơi sinh trên hộ chiếu công dân. 

Có ý kiến cho rằng thông tin trên thẻ CCCD cần thể hiện những thông tin cố định, bất biến. Ảnh: Việt Dũng

Trong khi đó, Đại tá Trần Quyết Thắng - Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân cho rằng, thông tin trên thẻ CCCD cần thể hiện những thông tin cố định, bất biến. Nếu đã khai thác thông tin tích hợp vào thẻ CCCD qua thiết bị chuyên dụng (được quy định tại Điều 23) thì nên xem xét bỏ thông tin “Nơi cư trú" trên thẻ CCCD bởi thông tin về nơi cư trú là khả biến, có sự thay đổi thường xuyên trong quá trình sinh sống của người dân.

Về những thay đổi của thông tin trên mặt trước và mặt sau của CCCD trong dự thảo, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng cần bổ sung báo cáo đánh giá tác động văn bản pháp luật về những thay đổi trường thông tin trên căn cước công dân như thay “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú” hay quy định lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ CCCD liệu có gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công dân hay không.

Từ đó, nhằm đảm bảo mục tiêu ban đầu của dự thảo là đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thực hiện các giao dịch của công dân cũng như yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về dân cư trong tình hình mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn