MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH KNA Apparel Sourcing Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) tới Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai nhờ hỗ trợ. Ảnh: Hà Anh Chiến

Kiến nghị tạm thời chốt bảo hiểm xã hội để giải quyết quyền lợi của người lao động

HÀ ANH CHIẾN LDO | 23/02/2023 06:00

Tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn còn phổ biến. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục tháng với số tiền hàng chục tỉ đồng, nhưng tìm cách né tránh, trây ỳ không đóng khiến người lao động (NLĐ) phải gánh chịu hậu quả… Theo ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - khi NLĐ đóng BHXH đến thời điểm nào thì cơ quan BHXH tạm thời chốt BHXH cho NLĐ đến thời điểm đó để giải quyết các chế độ chính sách cho NLĐ.

Khi chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội bỏ trốn 

Chị Nguyễn Thị Dấu - công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom - là nạn nhân của việc doanh nghiệp bỏ trốn vào dịp đầu năm 2018 tại tỉnh Đồng Nai. Chị Dấu cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm tôi cùng khoảng 2.000 công nhân khác làm việc tại Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom). Tuy nhiên, thời điểm cận Tết thì bỗng dưng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, trong khi còn nợ lương và BHXH của công nhân với số tiền hơn 31 tỉ đồng, trong đó có nhiều nữ công nhân mang thai”.

Vụ việc này, Công đoàn tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ công nhân khởi kiện công ty ra tòa để đòi quyền lợi, đồng thời đề xuất Tổng LĐLĐVN hỗ trợ 1 tỉ đồng giúp công nhân vượt qua khó khăn trước mắt. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm thời ứng tiền để chi trả lương cho công nhân và BHXH tỉnh Đồng Nai ưu tiên chốt sổ để NLĐ tiếp tục tham gia BHXH ở doanh nghiệp mới. Sau đó, các cơ quan chức năng đã thanh lý tài sản của Công ty TNHH KL Texwell Vina theo quy định của pháp luật sau khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn để trả tiền nợ lương và đóng BHXH cho công nhân.  

Tuy nhiên, sau trường hợp tại Công ty TNHH KL Texwell Vina trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, vẫn xảy ra tình trạng chủ doanh nghiệp “bỗng dưng biến mất” khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mới đây nhất, theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, tại Công ty TNHH KNA Apparel Sourcing Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), Ban giám đốc công ty này đã bán công ty cho chủ đầu tư khác và chủ mới đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế A.V.N, trong khi vẫn đang còn nợ lương và các chế độ của 91 công nhân với số tiền hơn 291 triệu đồng và chưa giải quyết hồ sơ thôi việc cho 103 lao động.

Theo phản ánh của NLĐ, họ đã có thời gian làm việc tại Công ty TNHH KNA Apparel Sourcing Việt Nam khoảng 3 năm nhưng đến khi kết thúc công việc vào cuối năm 2022 thì mới phát hiện công ty thu tiền công nhân nhưng không đóng BHXH và cũng không chốt BHXH cho NLĐ. Điều này làm ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ khi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình làm việc sẽ không được giải quyết. Ngoài ra, khi NLĐ tới công ty khác làm việc cũng sẽ không chốt được BHXH, quyền lợi bị “treo” và không được giải quyết các chế độ liên quan đến BHXH.

Một trường hợp khác trước đó, vào Tết Nguyên đán 2023, chủ Công ty TNHH may mặc Minh Giang đóng tại TP.Biên Hoà cũng mất tăm để lại hàng chục công nhân bơ vơ cùng khoản tiền nợ thuê nhà hơn 660 triệu đồng và nợ tiền lương của 20 công nhân với số tiền gần 250 triệu đồng, nợ BHXH trong 2 tháng cũng chưa đóng cho NLĐ.

Nhiều Người lao Động không được hưởng các chế độ BHXH

Theo danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN… từ 3 tháng trở lên, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng trên 300 đơn vị được nhắc tên. Trong đó có những doanh nghiệp mặc dù ít lao động, nhưng nợ BHXH hàng chục tháng. 

Như Công ty CP L tại huyện Long Thành chỉ có hơn 60 lao động nhưng nợ BHXH tới 75 tháng với tổng số tiền nợ hơn 40 tỉ đồng; Công ty TNHH Xây dựng T.L ở huyện Xuân Lộc nợ tới 102 tháng bảo hiểm của 3 lao động; Công ty TNHH MTV Cồn T.L cũng ở huyện Xuân Lộc có hơn 100 lao động nợ 17 tháng bảo hiểm…

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản, giải thể, mất khả năng thanh toán dẫn đến việc không thực hiện trích nộp hoặc thực hiện trích nộp không kịp thời các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN theo quy định. 

Do đó, NLĐ không kịp thời được hưởng các chế độ BHXH như ốm đau, thai sản, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có đủ chiêu để không đóng BHXH cho NLĐ như thực hiện không đúng chế độ, chính sách đối với NLĐ, phổ biến là không tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN; không trả lương, thưởng hoặc trả không đúng quy định...

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - kiến nghị: Để đảm bảo quyền lợi NLĐ, khi NLĐ đóng BHXH đến thời điểm nào thì cơ quan BHXH tạm thời chốt BHXH cho NLĐ đến thời điểm đó để giải quyết các chế độ chính sách cho NLĐ. Bởi trong những trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH trây ỳ, hoặc vắng chủ... thì NLĐ rất khó khăn vì không được giải quyết chế độ, thậm chí muốn về hưu cũng không được về hưu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn