MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để tránh tình trạng thổi giá, bỏ cọc, nhiều người kiến nghị tăng mức đóng tiền cọc cho các phiên đấu giá biển số siêu đẹp. Ảnh chụp màn hình

Kiến nghị tăng tiền cọc để chặn bỏ cọc, đấu giá ảo

KHÁNH AN LDO | 16/10/2023 06:26

Tình trạng đẩy giá ảo rồi bỏ cọc trong các phiên đấu giá, nhiều người dân tỏ ra bức xúc bởi điều này khiến họ mất nhiều thời gian trong việc làm lại thủ tục và tham gia lại phiên đấu giá biển số. Theo luật sư, nếu tình trạng này diễn ra nhiều với mục đích trục lợi thì cần quy định trách nhiệm ràng buộc đối với những người tham gia đấu giá, trong đó có việc quy định số tiền đặt cọc cao lên.

Tránh tình trạng đẩy giá ảo, bỏ cọc

Trong phiên đấu giá biển số xe ôtô đầu tiên diễn ra vào ngày 15.9, tổng số tiền trúng đấu giá cho 11 biển số siêu đẹp là 82,325 tỉ đồng. Trong đó, biển số 51K-888.88 có giá trúng đấu giá cao nhất là 32,34 tỉ đồng - đây cũng là mức đấu giá cao nhất ghi nhận được trong tất cả các phiên đấu giá đã tổ chức.

Điều đáng nói, biển số 51K-888.88 và 5 biển số siêu đẹp khác được đấu giá vào ngày 15.9 lại có mặt trong danh sách 459 biển số được mang ra đấu giá vào ngày 17.10 tới đây do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định.

Anh Vương Tất Trường (Hoài Đức, Hà Nội) - người có kinh nghiệm lâu năm trong việc sưu tầm, săn mua biển số đẹp - cho biết, theo quy định hiện nay, những người đấu giá thành công biển số nhưng không nộp đủ tiền sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá trúng các biển số siêu đẹp. Do vậy, việc bỏ cọc hoàn toàn có thể xảy ra.

Khi đó, ban tổ chức sẽ phải tổ chức đấu giá lại biển số, những người có nhu cầu cũng phải thực hiện lại các thủ tục để tham gia đấu giá.

“Với nhiều người, để tham gia 1 tiếng đấu giá, họ đã phải sắp xếp, gác lại rất nhiều công việc. Thế nên, nếu đấu giá cùng những người chuyên thổi giá rồi bỏ cọc thì họ sẽ vô cùng bức xúc” - anh Trường nói. Theo anh Trường, cần tăng số tiền đặt trước cho các phiên đấu giá biển số - thay vì 40 triệu đồng như hiện nay.

“Sau khi tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá và những người trúng đấu giá đã nộp tiền đầy đủ, thì có thể dựa vào đó để nhìn thấy mức giá sàn cho những biển số đấu giá tiếp theo. Từ đó, đưa ra số tiền đặt trước tương ứng để tránh việc đấu giá linh tinh, đẩy giá ảo” - anh Trường đề xuất.

Anh Trường lấy ví dụ các biển số tứ quý 8, tứ quý 9 hiện nay thường được đấu giá khoảng 3 tỉ đồng. Từ căn cứ này, đơn vị tổ chức có thể yêu cầu người tham gia cần đặt trước 10% - tương ứng 300 triệu đồng. Với biển ngũ quý 2, ngũ quý 3 hiện có giá khoảng 5 tỉ đồng, thì người tham gia cần đặt trước 500 triệu đồng. Hay biển ngũ quý 9, người tham gia cần đặt trước 1 tỉ đồng.

Quy định số tiền đặt cọc cao lên

Theo TS Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - hiện chưa có chế tài xử phạt đối với những trường bỏ cọc. Những trường hợp này chỉ bị mất 40 triệu đồng tiền cọc.

“Không cần thiết phải quy định chế tài xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi trúng đấu giá, bởi bản chất đây là quan hệ dân sự thông qua thủ tục hành chính. Nếu người trúng đấu giá bỏ cuộc, khi đó họ mất tiền cọc thì cũng không khác gì tiền phạt khi không thực hiện nghĩa vụ của người trúng đấu giá” - ông Cường nói.

Về nguyên tắc, người tham gia đấu giá biển số xe phải đặt trước một khoản tiền đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi trúng đấu giá.

Ông Cường cho rằng, quy định “người trúng đấu giá biển số xe không nộp tiền thì coi như từ bỏ kết quả trúng đấu giá” phù hợp với quy định pháp luật về đấu giá tài sản, đảm bảo cho những người không có khả năng, không có nhu cầu thực sự nhưng trả giá cao sẽ mất tiền đặt cọc, biển số xe đó vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức đấu giá cho những người có nhu cầu thực sự.

Thế nhưng, kết quả đấu giá biển số xe ôtô cho thấy, có một số người trúng giá ở mức cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm. Điều này khiến nhiều người lo ngại, đây là giá ảo và người trúng đấu sẽ bỏ cọc hay tìm cách thổi giá để gây chú ý hoặc tìm cách trục lợi.

Theo luật sư Cường, nếu thường xuyên xảy ra tình trạng các biển số bị thổi giá, người trúng đấu giá bỏ cọc, thì theo ông Cường, cần quy định trách nhiệm ràng buộc đối với những người tham gia đấu giá, trong đó có việc quy định số tiền đặt cọc cao lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn