MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không để dịch vụ xe ghép ngoài vòng quản lý. Ảnh: Minh Hạnh

Kinh doanh xe ghép không phải chỉ màu hồng

Minh Hạnh LDO | 20/11/2023 16:10

Xe ghép đón tận nhà, đưa đến tận nơi và luôn sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu... Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây là loại hình vận tải khách không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng, cần sớm có biện pháp quản lý phù hợp để lành mạnh hóa thị trường vận tải và bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Để tìm xe ghép, xe đi chung, chỉ cần gõ từ khóa “xe ghép, xe đi chung”, sẽ có hàng nghìn kết quả, như dichungt...com; goch...vn,;tim....com.vn; di-....com; “Hội đi chung xe ghép – tiện chuyến (Yên Bái – Hà Nội)”; “Hội đi chung xe – Ghép xe Phú Thọ - Hà Nội” hay Nhà xe cục gạch Hà Nội – Thái Nguyên… Tất cả đều kèm theo số điện thoại liên lạc với những lời giới thiệu, mời chào rất hấp dẫn như “đón tại nhà, giá thành hợp lý, trả người đúng điểm”…

Một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ xe ghép, xe đi chung phát triển mạnh xuất phát từ chính nhu cầu đi lại của người dân. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những chiếc xe ghép, xe đi chung này tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải khách.

Ghi nhận thực tế, hầu hết phương tiện tham gia dịch vụ này là xe biển trắng, không dán phù hiệu kinh doanh vận tải và hoạt động trên mọi ngõ ngách để đưa đón khách tận nhà. Việc này không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về ATGT, an ninh trật tự và thất thu thuế cho Nhà nước.

Cần có chế tài để quản lý xe ghép, xe đi chung. Ảnh: Minh Hạnh

Theo các chuyên gia giao thông, mặc dù xe ghép rất tiện cho hành khách nhưng đây là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách chưa được cấp phép, không chịu sự quản lý của Nhà nước, trốn thuế, vi phạm pháp luật. Sự phát triển của loại hình xe ghép không những gây thất thu thuế mà còn phần nào gây rối loạn, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách nói chung.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Bằng - chủ hãng xe Sao Việt (chạy tuyến cố định Hà Nội – Lào Cai) cho rằng, hiện xe đi ghép, xe tiện chuyến đang phát triển “như nấm sau mưa” với nhiều lợi thế. Trong đó, tiêu biểu nhất là xe biển trắng được đón trả khách khắp các tuyến phố của Hà Nội mà không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Ngoài việc phá vỡ luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh, nhóm đối tượng này còn trốn thuế và gây mất ATGT.

Từ kinh nghiệm kinh doanh vận tải, ông Bằng cho rằng, việc đầu tư mua xe để chạy xe ghép chở khách không phải màu hồng. Theo ông Bằng, để sở hữu một chiếc xe ôtô 5 hoặc 7 chỗ ngồi phải đầu tư từ 600 triệu đồng trở lên, do đó nhiều người đã phải thế chấp nhà cửa để mua xe, thậm chí thế chấp chính chiếc xe đó vay thêm tiền mới đủ tiền mua xe. Chưa kể, mỗi tháng phải trả lãi vay khoảng 10 triệu đồng và sau 2 đến 3 năm giá trị chiếc xe chỉ còn khoảng 250 – 300 triệu đồng. Thêm chi phí xăng dầu, cầu phà, lương lái xe... nên doanh thu thực tế không nhiều.

Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp, các quy định để phân định loại hình chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế phát triển của khoa học công nghệ, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, làm xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông.

Do đó, Bộ GTVT cần nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP để giám sát chặt chẽ hoạt động đối với các loại hình kinh doanh vận tải, chống thất thu thuế, bảo đảm công bằng và cạnh tranh lành mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn