MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng cần tính toán quy hoạch kinh tế đêm riêng biệt chứ không xen kẽ vào khu dân cư như hiện nay.

Kinh tế đêm: Manh mún chợ đêm "sao chép" và quán bar "xập xình"

THUỲ TRANG LDO | 07/12/2019 07:00

Kinh tế đêm được ví như mỏ vàng của những địa phương, lấy ngành du lịch làm mũi nhọn. Thế nhưng, nếu cứ phát triển manh mún với vài ba cái chợ đêm giống hệt nhau, vài quán xá mở nhạc xập xình ngay giữa khu dân cư thì người dân địa phương không chịu nổi, du khách cũng chẳng mặn mà để bỏ tiền ra hưởng thụ.

Vài năm trở lại đây, các địa phương có ngành du lịch phát triển như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi… dần chú trọng vào phát triển kinh tế du lịch đêm để thu hút khách, qua đó tăng nguồn thu. Thế nhưng, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở những chợ đêm mà nơi nào cũng giống nhau.

Chưa kể, các địa phương còn không có sản phẩm đặc trưng, các mặc hàng cứ na ná giống nhau. Chiếc móc khoá, túi xách hay chiếc bát (chén) bằng vỏ dừa ở chợ đêm Hà Nội cũng có thể tìm thấy ở Hội An hay Đà Nẵng.

“Các khu chợ đêm nếu do địa phương tổ chức thường rất nhếch nhác, các mặt hàng thì toàn đồ trôi nổi, không xác định được nguồn gốc và chất lượng. Rác thải, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Trong khi nói là thu hút du lịch nhưng du khách đến đây chẳng bao nhiêu bởi chẳng có mấy dịch vụ nào thú vị” – chị Nguyễn Hoa – người dân sống gần khu chợ đêm quận Sơn Trà, Đà Nẵng chia sẻ.

Chợ đêm đã vậy, còn với những quán Pub hay Bar dành cho du khách đến uống rượu, bia và nghe nhạc hiện nay tại Đà Nẵng cũng đang xuất hiện nhiều hơn nhưng đa phần là tự phát, mỗi chỗ làm một kiểu. Đi dạo quanh khu được mệnh danh là “Phố Tây” Đà Nẵng - đường Bạch Đằng, các quán cà phê hay Pub hoạt động rời rạc, manh mún, khách bản xứ thì nhiều chứ du khách chẳng được bao nhiêu.

Góp ý về vấn đề này, ông Trần Chí Cường – nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, du lịch đêm được cho là mỏ vàng nhưng làm không khéo lại những tiêu cực. Kinh tế đêm cần phải dựa vào đặc tính văn hoá và tập tục người dân địa phương. Ví dụ như ở Đà Nẵng, chúng ta phải xem người dân có nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ đêm không hay chỉ khách du lịch và họ muốn tham gia các dịch vụ nào. Không phải du khách nào cũng thích đi bar hay đi ăn đêm. Nếu làm không khéo sẽ gây ra sự xung đột giữa sự phát triển du lịch với người dân địa phương.

“Chỉ hệ thống đèn âm thanh ở quán bar trên đường Bạch Đằng đã khiến người dân phản ứng hay quá 10h đêm mà nhạc xập xình ở công viên biển Đông Sơn Trà là có người gọi điện cho cơ quan chức năng rồi thì làm sao nói là kinh tế đêm được” – ông Cường lấy ví dụ.

Chính vì vậy, PGS-TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, kinh tế đêm cần được định nghĩa lại và nếu muốn làm thì phải đưa vào quy hoạch.

“Hiện nay chưa có địa phương nào quy hoạch riêng cho du lịch đêm, quy hoạch chỗ nào làm chợ đêm, mở quán ăn nhậu hay ca hát muộn hơn 10h. Đà Nẵng đang điều chỉnh quy hoạch chung nên nếu muốn làm thì có thể đưa vào để điều chỉnh quy hoạch ngay từ bây giờ. Phải có khu vực độc lập, ít ảnh hưởng đến cộng đồng thì mới thực hiện được. Sau đó chính quyền phải có những chính sách cho phép một số hoạt động từ mua sắm cho đến các hoạt động như casino chẳn ghạn, đào tạo nguồn nhân lực,… có như vậy mới mong khai thác được mỏ vàng kinh tế đêm” – ông Lương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn