MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thương binh vượt đường sá xa xôi đến Nhà tang lễ Quốc gia để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hải Nguyễn

Kịp đến tiễn biệt Tổng Bí thư là tâm nguyện của nhiều thương binh

NHÓM PV LDO | 27/07/2024 06:11

Trong hàng trăm nghìn người dân cả nước đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có rất nhiều thương binh tuổi cao, sức yếu.

Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Nguyễn Hữu Lưu (sinh năm 1948, quê phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) đề nghị với con cháu nguyện vọng được đến Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) viếng Tổng Bí thư.

Nhiều thương binh vượt đường sá xa xôi đến Nhà tang lễ Quốc gia để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hải Nguyễn

Trước khi có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia, ông Lưu theo dõi từng giờ, từng phút diễn biến Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Lưu nhập ngũ năm 1965, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, ông bị mất đi cánh tay phải.

"Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi lúc tôi đang ở chiến trường, không thể dự tang cụ. Nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi đã trở về, tôi nhất định phải đi" - ông Lưu nói.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Sông Thao (78 tuổi) ở TP Hồ Chí Minh, cho biết, ông rất tiếc thương Tổng Bí thư, một nhà lãnh đạo giản dị, tận tụy làm việc đến những giây phút cuối cùng của đời mình cho đất nước.

Dù chân tay đã dần yếu, muốn đi lại phải chống gậy, thế nhưng từ 4h sáng ngày 26.7, bà Trần Thị Thục Oanh vẫn nhờ con cháu đặt xe taxi để đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Là bác sĩ quân y, người chiến sĩ cách mạng, bà Trần Thị Thục Oanh (Hà Nội) có 38 năm tham gia phục vụ chiến đấu trong Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ và Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang). Nhớ lại những tháng năm kháng chiến, ngoài công việc chuyên môn chính, bà Oanh cùng đồng đội phát rẫy, làm nương, đào hầm, dựng lán, cõng gạo, khiêng cáng thương binh, tải đạn... khắp các chiến trường.

"Không hiểu vì sao lúc ấy tôi không sợ chết, không nghĩ đến cái chết; không sợ bom đạn, tinh thần hăng hái một mực là phải giải phóng bằng được miền Nam, thống nhất đất nước" - bà Oanh nói.

Sáng 26.7, sau khi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Oanh ngồi nghỉ ngơi ở cổng Nhà tang lễ Quốc gia. Trên khuôn mặt của nữ bác sĩ chiến trường, nỗi đau buồn không thể giấu nổi. Song, bà cũng cảm thấy mãn nguyện khi hôm nay đã kịp tới viếng, tiễn biệt người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn