MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủy điện nhỏ ở Kon Tum đang tác động xấu đến môi trường sinh thái. Ảnh: THANH TUẤN

Kon Tum: Quá tải thủy điện vừa và nhỏ, tác động xấu đến môi trường

THANH TUẤN LDO | 19/12/2022 06:00

Hiện tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 870MW. Việc phát triển quá nóng, quy hoạch nhiều thủy điện vừa và nhỏ gây tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống xã hội. 

Thủy điện nhỏ, lợi bất cập hại

Ngày 18.12, UBND tỉnh Kon Tum - cho biết, đã có văn bản gửi ra Bộ Công Thương đề nghị loại bỏ 4 thủy điện khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Các thủy điện bị đề nghị loại bỏ gồm: Đăk Ruồi 1 (công suất 7MW), Đăk Man (công suất 6MW), Đăk Brot (công suất 2MW, cùng có vị trí tại huyện Đăk Glei) và Sông Tranh 1 (công suất 4,5MW, tại huyện Tu Mơ Rông).

Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã rà soát, xác định các dự án này tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến diện tích rừng tự nhiên, công tác tái định cư chưa đảm bảo.

Đặc biệt, tại dự án thủy điện Đăk Brot, chủ đầu tư không tập trung xây dựng triển khai dự án mà lại lợi dụng khai thác vàng, gây mất an ninh trật tự. 

Không chỉ 4 dự án thủy điện nói trên mà dự án thủy điện Đăk Bla 3 ở gần khu vực làng du lịch cộng đồng Kon K’tu và làng Kon Jơ Ri, TP.Kon Tum cũng từng gây xôn xao dư luận.  

Dự án thủy điện này đã được Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển điện Chiến Thắng (trụ sở đóng tại Kon Tum) có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum để đề nghị thực hiện dự án.

Dự kiến thủy điện sẽ triển khai trên 84ha với công suất 8,6MW. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 300 tỉ đồng. Tuy nhiên khi lấy ý kiến cộng đồng thì vấp phải sự phản đối của người dân cũng như ngành chức năng.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho rằng, việc có quá nhiều dự án thủy điện tại khu vực được định hướng phát triển du lịch cộng đồng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phá vỡ cảnh quan du lịch. Vì vậy, sở không thống nhất đối với việc triển khai dự án thủy điện Đăk Bla 3.

Tuyến giao thông vào vị trí dự án thủy điện Đăk Bla 3 đi qua khu vực du lịch cộng đồng làng Kon K’tu, quá trình xây dựng cũng sẽ phát sinh tác động môi trường tại khu vực này.

Di dân vùng thủy điện để tái định cư chưa hiệu quả

Tại huyện Đăk Hà, chỉ riêng đoạn ngắn dòng sông Đăk Psi đã oằn mình gánh trên lưng hơn 10 thủy điện lớn nhỏ. Nhiều năm qua, câu chuyện người dân và chính quyền địa phương khiếu kiện kéo dài, yêu cầu các chủ thủy điện bồi thường, hỗ trợ khi làm ngập hoa màu, cây cối… vẫn chưa chấm dứt.   

Hiện Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 870MW. Trong số này có 5 dự án phải thực hiện di dân tái định cư. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum cần 222,5 tỉ đồng để phục vụ cho việc ổn định đời sống của người dân tại các khu tái định cư thuộc các dự án thủy điện như: Yaly, Plei Krông, Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Kon Tum cần bố trí sắp xếp lại dân cư cho hơn 8.000 hộ với trên 27.000 nhân khẩu thuộc các nhóm sắp xếp dân cư vùng biên giới, vùng thiên tai sạt lở, vùng đặc biệt khó khăn và dân di cư tự do.

Các chủ đầu tư thủy điện đã xây dựng làng tái định cư mới. Tuy nhiên, một số làng tái định cư như Đăk Nên, Đăk Rinh… chưa phát huy hiệu quả, người dân bỏ nhà cửa về lại nơi làng cũ, gây lãng phí, tốn kém... Nguyên nhân là do làng tái định cư xa khu vực đất đai sản xuất, sinh kế chính của người dân miền núi. Một số làng tái định cư ở nơi có nguy cơ sạt lở cao.

Đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ kết luận, một số dự án thủy điện nhỏ và vừa ở Kon Tum làm mất rừng, lũ lụt, ảnh hưởng môi trường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn