MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công Thủy điện Đăk Re làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đất sản xuất ở xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ảnh T.TUẤN

Kon Tum: Rà soát, tạm dừng triển khai nhiều dự án thủy điện nhỏ

THANH TUẤN LDO | 15/01/2021 07:43

Trước lo ngại của dư luận việc tỉnh Kon Tum ra nhiều văn bản, tiếp tục cho phép triển khai hàng loạt dự án thủy điện nhỏ, trái với quy định của Bộ Công Thương, của Chính phủ. Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum vừa yêu cầu đánh giá lại tác động môi trường của các dự án thủy điện nhỏ để báo cáo ra Bộ Công thương.

Chọn nhà đầu tư cho một loạt thủy điện nhỏ

Ngày 22.12, Bộ Công Thương có văn bản số 9844/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công trình thủy điện về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án/công trình thủy điện; trong đó, đề nghị tạm dừng xây dựng các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư.

Vậy nhưng, cuối năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum lại ra 5 văn bản liên tiếp về việc lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư cho 5 dự án thủy điện.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum ra 5 văn bản, từ số 4768 đến 4772 về việc chọn chủ đầu tư thực hiện 5 dự án thủy điện trên địa bàn hai huyện Kon Plông và Kon Rẫy. Các dự án gồm: Thủy điện Đăk Pô Nê 4, có công suất 6 MW, được xây dựng trên sông Đăk Pô Nê, thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy; dự án thủy điện Đăk Toa, có công suất 5 MW, được xây dựng trên sông Đăk A Kôi, thuộc xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy; dự án thủy điện Đăk Nghé 3 có công suất 17MW, thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy.

Riêng tại huyện Kon Plông có hai dự án gồm: Thủy điện Nước Đao, có công suất 20MW, được xây dựng trên sông Đăk Ring thuộc hệ thống sông Trà Khúc, thuộc xã Đăk Ring và dự án thủy điện Tà Âu có công suất 12MW, được xây dựng tại xã Ngọc Tem và xã Đăk Ring.

Việc ra các văn bản này làm dư luận lo ngại rằng, liệu tỉnh Kon Tum có làm trái với quy định của Bộ Công Thương. Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum - cho biết, các dự án kể trên đều đã được nằm trong quy hoạch xây dựng thủy điện. Việc ra các văn bản nói trên không trái với quy định của Bộ vì đây là bước thủ tục pháp lý lựa chọn chủ đầu tư để làm hồ sơ gửi UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Không tham mưu các dự án chiếm dụng rừng tự nhiên

Mới đây, ngày 6.1.2021, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 34-UBND - HTKT yêu cầu chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh rà soát, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, công tác vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện. Đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng: Tạm dừng, chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư; không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, kiểm tra, kiểm soát chặt tác động của dự án đến môi trường - xã hội, nhất là tác động của dự án đến đời sống dân cư, dự án chiếm dụng đất rừng tự nhiên...

Đối với các dự án đã được UBND tỉnh Kon Tum quyết định chủ trương đầu tư: Trong quá trình tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường... Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các yêu cầu về môi trường. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo dừng không đầu tư các dự án nếu có tác động lớn, tiêu cực đến môi trường...

Tỉnh Kon Tum yêu cầu việc tham mưu loại bỏ khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên. Tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư và kết quả kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 15.3.2021.

Trước đó, tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, Công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư Thủy điện Đăk Re, có công suất 60MW, tổng mức đầu tư là 3.200 tỉ đồng. Dự án được xây dựng kể từ năm 2016 trên địa bàn hai huyện Kon Plông (Kon Tum) và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Người dân tại xã Hiếu bức xúc vì Thủy điện Đăk Re gây ngập lụt, bồi lấp đất đai. Theo thống kê của UBND xã Hiếu, toàn xã có gần 12ha lúa nước bị bồi lấp, chủ yếu ở làng Kon Plông và làng Vi Glơng. Các điểm trường, khu dân cư, cầu treo trong làng Kon Plinh có nguy cơ sạt lở cao do thay đổi dòng chảy của sông Đăk Re. Theo chính quyền địa phương, quá trình thi công, san ủi các hạng mục kênh thông hồ, tuyến đường công vụ và khu vực đập lòng hồ 3 ở công trình Thủy điện Đăk Re đã làm thay đổi dòng chảy, làm sạt lở đất. UBND xã Hiếu yêu cầu công ty thủy điện cần có phương án hỗ trợ, bồi thường đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn