MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kết quả kiểm toán cho thấy việc chi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch chưa đúng quy định. Ảnh minh hoạ

KTNN: Sai phạm liên quan Việt Á, chi sai cho tuyến đầu chống dịch 79,7 tỉ

Thuỳ Dung LDO | 01/07/2022 16:46
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các chính sách hỗ trợ, trong đó có những sai phạm liên quan đến mua kit test của công ty Cổ phầm Công nghệ Việt Á, hay việc chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; Chưa chi trả hỗ trợ cho hàng trăm nghìn NLĐ...

Chuyên đề kiểm toán chưa có tiền lệ

Chiều 1.7, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức họp báo thông báo kết quả kiểm toán chuyên đề "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ". 

Toàn cảnh họp báo. 

Theo Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, KTNN đã tiến hành kiểm toán chuyên đề kiểm toán trên tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 tỉnh, thành phố. Bà Dung cho biết, đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ. 

Báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề trên, ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành III cho biết, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu nên công tác phòng chống dịch đã đạt được nhiều kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Tổng nguồn lực huy động được đến ngày 31.12.2021 là 376.217 tỉ đồng, ngoài ra NSNN còn hỗ trợ các địa phương 142.017,3 tấn gạo,... Cơ bản nguồn lực toàn xã hội đã được phân bổ, các đơn vị quản lý, sử dụng kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống dịch bệnh như chính sách gia hạn, giảm thuế, chính sách tín dụng, chính sách an sinh xã hội và phục hồi kinh tế...

Bên cạnh kết quả quan trọng đã đạt được, ngoài những sai phạm, tiêu cực đã và đang được các cơ quan chức năng tập trung, quyết liệt xử lý theo quy định của pháp luật, qua kiểm toán Chuyên đề này cho thấy các vấn đề.

Về công tác huy động, phân bổ nguồn lực, có cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy định trong việc huy động các nguồn kinh phí, việc tổng hợp số liệu huy động chưa đầy đủ, số báo cáo giữa các đơn vị tại một số nơi chưa đồng nhất. Một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; phân bổ, giao dự toán chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa đúng nhu cầu hoặc giao kinh phí phòng chống dịch khi chưa sử dụng hết nguồn kinh phí kết dư dự phòng, có đơn vị phải thu hồi, hủy dự toán, kinh phí chi chuyển nguồn lớn. Nguồn lực huy động bằng tiền, bằng hàng hóa được thực hiện trong thời gian ngắn, chưa có hướng dẫn, tiêu thức, phương án phân bổ phù hợp; chưa được theo dõi một cách chặt chẽ, chưa bảo đảm đầy đủ chứng từ tiếp nhận, phân bổ, tài liệu ghi nhận giá trị.

Việc xây dựng kế hoạch tiêm chủng tại một số địa phương chưa sát thực tế, chưa ưu tiên sử dụng các lô vắc xin cận hạn; chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả, số lượng, hồ sơ tiêm chủng định kỳ và cập nhật số mũi tiêm lên hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng; các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác quản lý vắc xin, thực hiện tiêm chủng chưa được lưu giữ chặt chẽ.

Nhiều sai phạm liên quan Việt Á

Về việc quản lý và sử dụng Kit test: Theo báo cáo, giai đoạn 2020-2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit test xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất, trong đó có một số đơn vị được kiểm toán mua kit test từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị 2.161,6 tỉ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối). KTNN cũng ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả... hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỉ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị. Ngày 8.4.2022 và ngày 27.4.2022, KTNN đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, qua kiểm toán toán cho thấy có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng, kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy; một số đơn vị chưa thống kê, kiểm kê, theo dõi đầy đủ, chính xác số lượng nhập, xuất, tồn; việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát... còn hạn chế.

Chi hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch không đúng đối tượng

Cũng theo KTNN, việc chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đấu chống dịch trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định 79,7 tỉ đồng. Chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định 17,5 tỉ đồng. Chưa chi trả kịp thời kinh phí cho lực lượng tuyến đấu chống dịch 18,2 tỷ đồng, kinh phí cho các đoàn công tác hỗ trợ địa phương 113,5 tỉ đồng.

Việc Chi thanh toán khám, điều trị bệnh nhân COVID-19 cách ly (F0, F1): Một số bộ ngành, địa phương cho thấy còn tình trạng chi cách ly y tế trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định 6,4 tỉ đồng; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định 26,9 tỉ đồng; chi trả cho các đối tượng cách ly y tế chưa kịp thời 3,3 tỉ đồng.

Về thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh với NSNN nhiều bất cập. Công tác quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm khác có vướng mắc, hạn chế trong công tác đề xuất, lập dự toán, phân bổ, quyết toán kinh phí, tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất và trình tự, thủ tục đầu tư một số dự án xây dựng, cải tạo BV đã chiến, cơ sở thu dung.

Việc quản lý các nguồn huy động chưa đầy đủ, chặt chẽ, sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch chưa kịp thời.

Về thu dịch vụ xét nghiệm: việc xây dựng cơ cấu giá còn chưa được một số địa phương thực hiện; Một số cơ sở y tế thu cao hơn mức quy định của Bộ Y tế số tiền 58,7 tỉ đồng, chưa điều chỉnh kịp thời đơn gia theo các quy định dẫn đến thu cao hơn 2,2 tỉ đồng...

Việc chi trả hỗ trợ cho người lao động chậm

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo các chính sách  hỗ trợ còn chưa đầy đủ, kịp thời, sát thực tế, chưa dự báo hết được diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh nên chưa bao quát và theo kịp diễn biến dịch... gây khó khăn lính tính trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai các gói hỗ trợ... Trong đó, chính sách hỗ trợ theo NQ 41, kết quả đạt được thấp, chỉ đạt 22,77% (giải ngân 14.032 tỉ đồng/61.580 tỉ đồng tổng kinh phí dự kiến). Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 chỉ đạt 52,4% so với dự kiến (13.964,6 tỉ đồng/26.251 tỉ đồng). 

Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 01.7.2021, theo báo cáo, đến ngày 31.12.2021, BHXH Việt Nam chưa chi trả, giải quyết kịp thời cho người lao động là 1.155.234 triệu đồng với 414.464 người, gồm: Chưa chi trả cho người lao động đã đủ điều kiện theo quy định là 119.357 người, số tiền dự kiến là 336.413,2 triệu đồng; Đã tiếp nhận nhưng chưa giải quyết đối với 295.107 người, số tiền ước khoảng 818.820,8 triệu đồng...

KTNN đề nghị Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan xử lý tài chính 3.431.236.487.360 đồng; xử lý tài chính khác 3.358.511.907.861 đồng. Chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến xử lý về số kinh phí sử dụng chưa đúng quy định, kinh phí chưa sử dụng và các khoản chưa hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn