MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chu Hồng Điệp (trái) và ông Đặng Văn Quang trao đổi với phóng viên báo Lao Động.

Kỳ lạ chuyện phải cho công ty vay hàng trăm triệu đồng để được... về hưu

Trần Tuấn LDO | 10/05/2020 10:53

Khi nhận được quyết định nghỉ hưu, nhiều công nhân mới tá hoả khi biết rằng đã nhiều năm công ty không đóng tiền BHXH cho mình với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, cho dù hàng tháng công ty vẫn trừ khoản tiền này từ lương của họ...

Muốn về hưu cũng... không được

Đầu tháng 5.2019, ông Chu Hồng Điệp (61 tuổi, An Lão, Bình Lục, Hà Nam) nhận được quyết định nghỉ hưu từ công ty cổ phần công trình giao thông 116 (Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi ông đã làm việc trong gần 40 năm. 

Nhưng ông Điệp lại không thể hoàn thiện các thủ tục để về hưu do công ty cổ phần công trình giao thông 116 đã không đóng bảo hiểm xã hội cho ông trong 8 năm 6 tháng, tổng số tiền nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) lên tới 225 triệu đồng, dù trước đó, hàng tháng công ty vẫn trừ tiền BHXH của ông Điệp.

"Thời điểm đó, giám đốc công ty là ông Trần Nam Hưng có nói với tôi nếu muốn về hưu thì cho công ty mượn số tiền hơn 200 triệu để công ty đóng cho BHXH nhưng lúc đó gia đình tôi không có tiền do công ty vẫn nợ tôi 100 triệu đồng tiền lương và 200 triệu đồng vay vốn", ông Điệp cho biết.

Ông Chu Hồng Điệp bên cuốn sổ BHXH mới tất toán đến tháng 12.2018.

Nghỉ làm, không có lương hưu, số tiền tiết kiệm lại đem hết cho công ty vay vốn nhưng vẫn bị công ty nợ 100 triệu tiền lương khiến ông Điệp rơi vào cảnh túng quẫn.

Trao đổi với phóng viên ông Điệp cho rằng, ở tuổi ngoài 60, phải xa vợ con, xin đi làm bảo vệ tại một dự án nuôi bò ở TP.Hoà Bình cách nhà gần 100 cây số với mức lương 6 triệu đồng để tiếp tục duy trì cuộc sống trong gia đình.

"Tôi có nhiều bệnh, bị hỏng một mắt và đau dạ dày, 2 đứa con cũng bị tật ở mắt, vợ tôi là nhân viên bán hàng bình thường nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu có thêm đồng lương hưu thì cuộc sống sẽ bớt vất vả hơn bao nhiêu", ông Điệp buồn bã nói.

Cũng theo ông Điệp, kể từ thời điểm có quyết định nghỉ hưu, ông đã nhiều lần tìm đến gặp Giám đốc công ty là ông Trần Nam Hưng để đòi giải quyết chế độ và tiền lương đang nợ nhưng chỉ nhận được câu trả lời dửng dưng: Công ty không có tiền.

Gần đây, sau dịch COVID-19, ông Điệp tìm đến công ty thì  thấy cửa đóng then cài kín mít, hỏi người xung quanh thì được cho biết giám đốc về quê nghỉ dịch chưa lên. Ông nói với phóng viên rằng hy vọng lấy lại số tiền chính đáng của mình đang dần trở nên khó khăn, vô vọng.

Đi vay lãi để cho công ty vay tiền đóng BHXH

Tương tự, bà Nguyễn Thị Vân (58 tuổi, Nghĩa Hưng, Lạc Giang, Bắc Giang) có quyết định nghỉ hưu vào tháng 7.2017 nhưng thời điểm đó, công ty 116 vẫn chưa đóng cho bà 127 triệu đồng tiền BHXH cho BHXH Hà Nội, dù trước đó hàng tháng vẫn trừ tiền BHXH của bà.

"Ông Trần Nam Hưng, Giám đốc công ty có nói với tôi là muốn được về hưu thì cho công ty vay 127 triệu để đóng cho BHXH Hà Nội dưới hình thức cho vay vốn sản xuất. Do muốn hoàn tất thủ tục sớm để về hưu nên tôi đã lấy số tiền tích cóp, mượn thêm của người thân để cho công ty vay", bà Vân cho biết.

Tuy nhiên, số tiền bà Vân nhận lương hưu từ năm 2017 đến nay vẫn chưa giúp bà trả hết nợ đi vay cho công ty mượn đóng BHXH.

Ông Quang cho biết ông phải cho công ty vay 194 triệu đồng tất toán với BHXH để được ..về hưu. 

Trường hợp của bà Vân, ông Điệp là câu chuyện điển hình cho nhiều cán bộ công nhân viên của công ty cổ phần công trình 116. Các cán bộ này cho biết khi đến tuổi nghỉ hưu thì mới biết công ty đã không đóng tiền BHXH cho mình số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi người.

Họ cho biết, sau đó được lãnh đạo công ty nói muốn về hưu đúng thời hạn thì cho công ty mượn tiền dưới hình thức là góp vốn để tất toán tiền cho BHXH Hà Nội.

Có trường hợp như ông Đặng Văn Quang (59 tuổi, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) phải đi vay mượn để cho công ty vay 194 triệu đồng đóng BHXH, ông Phùng Thế Thưởng (60 tuổi, Hải Bắc, Hải Hậu, Nam Định) phải bán đất của gia đình để cho công ty vay 150 triệu đóng BHXH.

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Lao Động có chữ ký của mười cán bộ đã về hưu tại công ty 116, họ viết, tuổi trẻ đã đóng góp sức mình xây dựng các công trình giao thông lớn như Quốc lộ 1A,  cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ,  đường Bắc Thăng Long – Nội Bài nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại rơi vào hoàn cảnh trái ngang, phải đi đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Theo tìm hiểu, công ty cổ phần công trình giao thông 116 thành lập năm 1972, trước đây thuộc Liên hiệp các xí nghiệp công trình 2, sau đó chuyển về Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Bộ Giao thông vận tải). Quá trình cổ phần hoá bắt đầu từ năm 2006, đến năm 2014, nhà nước đã thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn