MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỳ lạ những nhà máy bỏ hoang vẫn cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân

Trần Tuấn LDO | 24/04/2023 16:52

Nhiều nhà máy nước không hoạt động, bỏ hoang đã lâu nhưng vẫn tiến hành cấp nước sạch, thu tiền từ hàng nghìn hộ dân. Chuyện lạ đang diễn ra tại tỉnh Hưng Yên.

Lời toà soạn: Toàn tỉnh Hưng Yên có 16 nhà máy nước sạch nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn (chương trình NTP). Các nhà máy này có 60% vốn của Nhà nước nhưng từ lâu đã được giao cho các công ty tư nhân quản lý và không có đóng góp bất cứ nguồn thu nào về ngân sách, không đảm bảo nguyên tắc sử dụng vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, một số nhà máy từ lâu đã bỏ hoang, không hoạt động, trở thành trung gian mua buôn nước sạch từ đơn vị khác cung cấp cho người dân.

Loạt bài của Báo Lao Động nhằm nêu lên vấn đề, đóng góp giải pháp xử lý vấn đề này.

Nước sạch nông thôn đắt hơn thành phố

Nhà máy nước sạch xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), nằm trong chương trình NTP, có công suất thiết kế 900m3/ngày đêm, nguồn vốn Nhà nước đầu tư trên 9,4 tỉ đồng.

Công trình này được cơ quan chức năng địa phương giao cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Thanh quản lý, vận hành ngay từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2014. Tuy vậy, theo phản ánh của người dân, nhà máy này đã tạm dừng sản xuất, bỏ hoang cách đây 5 năm.

Lý do là bởi, thời điểm đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản về đảm bảo nguồn nước sạch, quy định các nhà máy nước sạch phải sử dụng nguồn nước mặt hoặc nước ngầm. Trong khi đó, nhà máy nước sạch xã Phạm Ngũ Lão lấy nguồn từ nước nội đồng, không đảm bảo vệ sinh.

Điều lạ là dù đã bỏ hoang nhiều năm nay nhưng nhà máy nước sạch này hiện vẫn đang cấp nước cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Phạm Ngũ Lão, với gần 8.000 nhân khẩu.

Nhà máy nước sạch Phạm Ngũ Lão bỏ hoang đã lâu. Ảnh: Trần Tuấn

Trao đổi với phóng viên Lao Động, bà D.P.C, một người dân ở xã Phạm Ngũ Lão cho biết, do nhà máy này không đáp ứng công nghệ xử lý nước theo quy định của tỉnh Hưng Yên nên đã phải mua buôn nước từ Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn – Nagaoka (trụ sở huyện Kim Động) để bán lại cho người dân. Các phiếu thu tiền nước hiện vẫn đang đứng tên Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Thanh, nhưng thực tế nguồn nước sử dụng là từ Công ty Ngọc Tuấn.

Điều khiến nhiều người dân bức xúc là mức giá nước. Theo họ, mức giá nước đang thu còn cao hơn một số khu vực tại Hà Nội sử dụng nguồn nước sạch sông Đà.

Theo đó, giá nước sinh hoạt tại Hà Nội lấy từ nguồn nước sông Đà là được tính theo luỹ tiến: 10m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3, 10m3 tiếp theo tính giá 7.052 đồng/m3, 10m3 tiếp theo nữa 8.669 đồng/m3… Trong khi đó giá nước người dân xã Phạm Ngũ Lão mua từ Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Thanh được tính đồng giá là 8.300 đồng/m3.

“Chúng tôi mong muốn được mua nước trực tiếp từ đơn vị sản xuất, không phải qua trung gian là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Thanh để giảm bớt chi phí”, nhiều người dân xã Phạm Ngũ Lão đề đạt nguyện vọng.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện cũng có 4 nhà máy khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như nhà máy nước sạch Phạm Ngũ Lão, đó là: Nhà máy nước sạch xã Hồng Quang, huyện Ân Thi (hoạt động từ năm 2013), nhà máy cấp nước thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ (hoạt động từ năm 2012), nhà máy cấp nước xã Quang Hưng huyện Phù Cừ (hoạt động từ năm 2014) và nhà máy nước sạch thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (hoạt động từ năm 2005).

Tin nhắn thu phí nước sạch gửi đến người dân thị trấn Lương Bằng, giá mỗi m3 nước là 9.500 đồng. Ảnh: Trần Tuấn

Các nhà máy này đều thuộc chương trình NTP, có phần vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nhưng hiện bỏ hoang, không hoạt động, trở thành trung gian mua buôn nước từ đơn vị khác phân phối cho người dân.

Trong các dự án này, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, nhà máy nước sạch thị trấn Lương Bằng đã được Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn – Nagaoka mua lại. Sau đó, Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn đã độc quyền cung cấp nước cho các hộ dân tại thị trấn Lương Bằng với giá 9.500 đồng/m3.

Phản ánh với phóng viên Báo Lao Động, nhiều người dân thị trấn Lương Bằng cho biết, rất bức xức vì “giá nước nông thôn còn cao hơn ở đô thị”, đồng thời đã nhiều lần kiến nghị phải điều chỉnh giá nước nhưng chưa thể thay đổi.

Không đóng góp về ngân sách Nhà nước và nguy cơ thất thu thuế

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, 16 nhà máy nước nằm trong chương trình NTP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư phần vốn Nhà nước đã được quyết toán là 123 tỉ đồng.

Từ khi đi vào vận hành, được giao cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý, cấp nước cho địa bàn 28 xã, các doanh nghiệp này hiện chưa thực hiện đóng góp nguồn thu về ngân sách Nhà nước theo phần vốn đã đầu tư theo quy định.

 Việc thu tiền nước chỉ có sổ thu, không xuất hoá đơn. Ảnh: Trần Tuấn

Đáng nói, việc thu tiền nước từ phía người dân, một số công ty được giao quản lý các nhà máy nước này cũng đã không xuất hoá đơn theo quy định mà chỉ xuất phiếu thu, gây nguy cơ thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Trong một quyển phiếu thu tiền nước của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Thanh đối với một hộ dân trên địa bàn xã Phạm Ngũ Lão, chỉ thể hiện mức nước tiêu thụ, số tiền phải đóng và chữ ký của người dân. Việc thu theo phiếu này được thực hiện đến hết năm 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn