MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng TP.Buôn Ma Thuột cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây trái phép trên đất nông nghiệp ở phường Thành Nhất. Ảnh minh họa: Bảo Trung

Kỷ luật 2 lãnh đạo UBND xã ở Đắk Lắk do để xây dựng công trình trái phép

BẢO TRUNG LDO | 02/12/2022 14:27

Đắk Lắk - UBND TP Buôn Ma Thuột đã xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với 2 lãnh đạo UBND xã Hòa Thắng sau khi phát hiện trên địa bàn xuất hiện nhiều công trình xây dựng trái phép.

Ngày 2.12, ông Lê Đại Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - cho biết: "Liên quan đến việc xuất hiện 26 trường hợp xây dựng trái phép  trên đất của Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng (buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng), Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP Buôn Ma Thuột đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật về mặt Đảng bằng hình thức khiển trách đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng".

Ngoài ra, Công ty cà phê Việt Thắng còn chưa làm hết trách nhiệm đối với vụ việc trên. Do đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã có kiến nghị để cấp tỉnh có ý kiến gửi Tổng Công ty cà phê Việt Nam xử lý Công ty Việt Thắng.

Ngày 2.12, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã tổ chức buổi họp báo, thông tin về việc sắp tổ chức cưỡng chế 26 trường hợp xây dựng trái phép trên đất của Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng (buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng).

Theo kế hoạch, việc cưỡng chế bắt đầu từ ngày 6.12 đến khi hoàn thành công tác cưỡng chế. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện cưỡng chế đối với 5 trường hợp vi phạm; sau đó tiếp tục tổ chức cưỡng chế 21 trường hợp vi phạm còn lại.

Lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột thông tin, thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh và ban hành kế hoạch, phương án, các quyết định cưỡng chế đối với 26 trường hợp vi phạm nói trên tại xã Hòa Thắng để tạo sự đồng thuận của người dân, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, Công ty Việt Thắng được tỉnh Đắk Lắk cho thuê và quản lý, sử dụng 962,53 ha đất trên địa TP Buôn Ma Thuột và H.Cư Kuin để thực hiện ký hợp đồng giao khoán, liên kết sản xuất cà phê với các hộ dân.

Thời gian gần đây, các hợp đồng giao khoán, liên kết đã hết hạn nhưng các hộ dân không ký lại hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng không chấp hành nộp sản lượng cho công ty. Trong khi đó, tình hình xây dựng trái phép trên đất của công ty ngày càng gia tăng, phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn