MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Phạm Chí Tài, kỹ thuật viên lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi TP.Đà Nẵng đã quen với ca trực 2 tháng/lần. Ảnh: TT

Kỹ thuật viên 1 năm đi chống dịch với những ca trực dài... 2 tháng

THUỲ TRANG LDO | 11/06/2021 16:21
Bắt đầu công việc một kỹ thuật viên xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi TP.Đà Nẵng được 1 năm, thì có đến 2/3 thời gian, anh Nguyễn Phạm Chí Tài (sinh năm 1993, Quảng Nam) phải trực chiến, làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19. Giữa những ngày thành phố tưởng chừng yên bình thì anh và những đồng nghiệp của mình lấy hàng chục mẫu xét nghiệm. Hồi hộp mong chờ kết quả âm tính để chia tay từng bệnh nhân này lại đón những bệnh nhân khác.

Ca trực 2 tháng

Dù có hay không những làn sóng dịch bệnh COVID-19 ập đến TP.Đà Nẵng thì Bệnh viện Phổi TP.Đà Nẵng vẫn có những khu vực luôn được giăng dây bảo vệ, các y bác sĩ vẫn phải mặc đồ bảo hộ, lấy mẫu xét nghiệm. Bởi, hơn một năm qua, đây nơi được chỉ định điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cả ca nhập cảnh và cộng đồng hay - còn được ví là “thành luỹ” chống dịch của thành phố.

Chính vì vậy, làm việc ở đây 1 năm qua, anh Tài và những đồng nghiệp của mình đã dần quen với những ca trực kéo dài 2 tháng. Suốt một năm, thời gian anh Tài về thăm nhà nhiều nhất là lúc vợ sinh cô con gái thứ 2. Còn lại là chuỗi ngày cứ 2 tháng làm việc, cách ly rồi tranh thủ về nhà vài ngày, rồi khăn gói về làm nhiệm vụ.

Công việc lấy mẫu mỗi ngày của anh Tài và một đồng nghiệp nam khác đảm nhiệm “vòng trong”, tức là tiếp xúc trực tiếp với những ca bệnh COVID-19. Mỗi ngày, họ lấy mẫu xét nghiệm từ 50 đến 60 ca bệnh. Thế nhưng không phải bệnh nhân nào cũng hợp tác.

“Lúc đó chỉ có mỗi chúng tôi mà nhiệm vụ thì cần lấy mẫu gấp để gửi xét nghiệm và cho các đơn vị khác kiểm tra chéo nên dù mệt hay họ có nói gì cũng phải tìm mọi cách thuyết phục, dỗ bệnh nhân” – anh Tài chia sẻ.

Anh Sang được kiểm tra trước khi tiêm vaccine COVID-19 để tiếp tục chống dịch. Ảnh: TT

Nói là quen việc khi chuyển qua làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 nhưng anh Tài thú thật: “Vì cứ phải đi làm liên tục, mặc đồ bảo hộ liên tục cả năm qua nên đôi lúc cũng mệt. Nhưng đó công việc mình chọn, nhiệm vụ mình phải làm”.

Gia đình 4 người ở 3 nẻo

Cả hai vợ chồng anh Tài đều quê ở Quảng Nam, vợ anh vốn là công nhân nhưng từ khi có dịch bệnh bùng phát cũng là lúc đang mang thai nên chị nghỉ hẳn ở nhà chăm sóc sức khoẻ và con trai 3 tuổi.

Những đợt dịch trước, chồng đi làm nhiệm vụ, vợ anh Tài đưa con về nhà ông bà ở quê. Nhưng đợt dịch này đến bất ngờ, lo mấy mẹ con về đến quê còn phải đi cách ly, gia đình anh quyết định ở lại TP.Đà Nẵng. Anh thì làm ở bệnh viện, chị thì thuê phòng trọ gần đó chăm sóc con gái.

Riêng cậu con trai 3 tuổi từ khi có em gái, nhà neo người nên đã được ba mẹ gửi về ông bà chăm sóc. Thành ra, gia đình 4 người mà ở 3 nơi khác nhau. Dù chẳng xa xôi gì nhưng có muốn gặp, muốn thăm nhau cũng là điều bất khả kháng.

Riêng cô con gái nhỏ, anh Tài về thăm lúc 5 tháng nay đã 9 tháng tuổi nhưng chỉ có thể gặp ba qua chiếc điện thoại nhỏ. Dường như cũng quen dần với việc đó, cô con gái nhỏ của anh cứ nghe tiếng ba hay thấy hình là lại líu lo.

Phòng trọ chỉ cách bệnh viện 2 cây số nhưng nhớ vợ con đến mấy, anh Tài cũng nhắc vợ cố gắng, con cũng còn nhỏ nên anh cũng không cho chị bế con đến thăm dù chỉ là nhìn qua cánh cổng.

Hỏi anh hay nhắn nhủ gì với vợ, anh Tài cười hiền: “Vợ con cứ ở nhà yên tâm, mình đi làm công việc thôi mà”.

Nghĩ đơn giản và nhẹ nhàng dường như là cách mà anh và những người đồng nghiệp đối diện với cuộc chiến chưa biết bao giờ kết thúc. Bởi, không phải ai cũng đủ dũng cảm gạt hết những tình cảm riêng tư, gia đình, con cái để tận tâm với công việc như các anh.

Mỗi ngày, thành phố lại nhận tin thêm những ca bệnh được công bố khỏi bệnh, được xuất viện, đó là công sức của rất nhiều đơn vị, con người, trong đó có những kỹ thuật viên xét nghiệm như anh Tài để cho ra những kết quả âm tính mà ai cũng mong đợi.

Nếu nhiều cán bộ chiến sĩ lên đường chi viện cho Bắc Giang được tôn vinh thì những nhân viên y tế miệt mài hơn 1 năm qua như anh Tài và y bác sĩ tại Bệnh viện Phổi TP.Đà Nẵng cũng xứng đáng nhận được sự kính phục. Họ không đi vào điểm nóng của dịch bệnh vì vốn dĩ, nhiệm vụ của họ là giữ vững “thành luỹ” chống dịch cho TP.Đà Nẵng.

Đổi tên Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” thành “Vaccine cho công nhân”

Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt công nhân, người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã phát động Chương trình “Triệu liều Vaccine cho công nhân nghèo” từ ngày 23.5.

Ngày 2.6.2021, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã họp và quyết định đổi tên Chương trình“Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” thành “Vaccine cho công nhân” nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội nhất là công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn đối với việc đóng góp kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động; đồng thời tạo thuận lợi cho việc thanh quyết toán kinh phí.

Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển tới Quỹ vaccine phòng COVID-19 để mua vaccine, tiêm cho công nhân trên toàn quốc.

Chương trình mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức trên mọi miền của tổ quốc

Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Vaccine cho công nhân” xin gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748.
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển khoản về tài khoản của Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng:

    • STK: 113000000758 - Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK: 0021000303088 - Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK: 12410001122556 - Ngân hàng BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK: 1005755579 - tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD: 115000196228 - Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    - Mở Ví Momo .
    - Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” .
    - Thực hiện theo hướng dẫn.
    - Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn