MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ký ức 30.4: Đại tá tình báo Tư Cang “thà chết để bảo vệ đồng đội"

Anh Tú - Vĩnh Hy LDO | 30/04/2022 09:02

TPHCM - 47 năm đã trôi qua (30.4.1975 - 30.4.2022) nhưng ký ức về ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

“Nếu bị địch phát hiện sẽ tự sát ngay”

Nhắc lại ký ức năm tháng hào hùng cùng đồng đội, đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) vẫn nhớ rõ từng thời khắc khốc liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ. 

Thời điểm đó vào năm 1947, ông Tư Cang tham gia cách mạng tại quê nhà xã Long Phước, TP.Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau đó, nhận thấy tố chất trong con người ông, lãnh đạo đã tin tưởng lựa chọn ông tham gia vào hoạt động tình báo bí mật ở Sài Gòn. 

Ký ức của ông là tuổi trẻ oanh liệt cùng đồng đội.

Đáng chú ý, ông Tư Cang chính là người đồng đội sát cách hỗ trợ cho tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, từ đó khai thác những thông tin có giá trị cho cuộc kháng chiến. 

Trước đó, ngay trong bản danh sách điều tra theo dõi của phía địch cũng đã có cái tên “Tư Cang”. Những dòng mô tả không rõ ràng như “Phó Chính ủy tình báo Miền Nam, người trắng trắng, cao cao, có đặc điểm bắn súng bằng hai tay rất giỏi, yêu thích văn nghệ. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định. Phần dán ảnh còn trống”. Màn sương mờ về ông Tư Cang cứ thế cho tới ngày độc lập.

Những tấm bằng khen ghi nhận chiến công được ông trưng bày ở giữa căn nhà

Có được điều đó, ông Tư Cang vẫn luôn tâm niệm rằng, chính là nhờ anh em đồng đội dù bị địch bắt, tra tấn vẫn không khai mình ra. Và cũng chính ông, với lý tưởng của người làm tình báo, cũng thà hy sinh chứ không để lộ đồng đội hay mạng lưới tình báo chủ chốt. 

"Tôi luôn nhét 2 viên đạn vào túi áo, nếu bị địch phát hiện thì sẽ bắn vào bên mang tai để tự sát. Lý do, phải giữ hai viên vì nếu viên kia lép thì còn viên này nổ được. Có lần ông Phạm Xuân Ẩn nói vui với tôi rằng tôi với anh ấy còn sống đến bây giờ chắc do số tử vi cao, chứ không đã đi từ lâu" – đại tá Tư Cang nói.

Năm 2006, ông Tư Cang được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ảnh tư liệu.

Gần 30 năm mới được đoàn tụ gia đình 

Sau năm 1975, ông Tư Cang vẫn tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong quân đội cho đến năm 1980 thì về hưu. Mang trong mình tỉ lệ thương tật 2/4 do chiến tranh và sống trong căn nhà nhỏ tại quận Bình Thạnh (TPHCM) cùng với gia đình, dù vậy, ông Tư Cang, người làm tình báo ngày nào, vẫn nhiệt thành, sôi nổi với công tác ở địa phương. 

Ông là một Bí thư Chi bộ khu phố hơn 10 năm, đồng thời, tham gia làm kinh tế cho lực lượng thanh niên xung phong Thành phố với chức vụ “Tổ trưởng Tổ bột giấy”.

Ngoài công việc trên, vị đại tá còn tranh thủ viết thêm sách, báo và thường tham gia các buổi nói chuyện với thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên, kể lại cho lớp trẻ nghe về những năm tháng ông và đồng đội đã sống, đã cống hiến cho ngày đất nước thống nhất. Song song đó, ông cũng tích cực tham gia phong trào vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ các đồng chí, đồng đội đang gặp hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi đó, nói về hạnh phúc của riêng mình, ông Tư Cang bất chợt bùi ngùi. Tham gia kháng chiến, vị đại tá này đã phải tạm gác lại hạnh phúc riêng, mới cưới người vợ sau 1 năm đã phải lên đường hoạt động, chia tay gia đình suốt 28 năm cho tới ngày độc lập,

Bởi đặc thù của ngành tình báo, ông rất khó để nhờ những chiến sĩ giao thông liên lạc với vợ, cũng phòng trường hợp địch phát hiện và theo dõi lộ ra thân phận của mình. 

Hạnh phúc của đôi vợ chồng từng phải cách xa nhau gần 30 năm. Ảnh tư liệu.

“Bà ấy chấp nhận cuộc sống một mình nuôi con, mỏi mòn ở vậy chờ tôi gần 30 năm. Tôi vẫn còn nhớ chiều 30.4, tôi lái con xe Jeep về tận Thị Nghè, tìm vài căn nhà theo lời chỉ của những đồng đội thì mới tìm thấy bà. Thật sự mà nói sau giải phóng, tôi chỉ muốn về thật nhanh để ôm hôn vợ mình" – vị đại tá nói về người vợ.

Đến nay, dù đã 94 tuổi, ông Tư Cang vẫn nhớ rõ về những cột mốc lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại. Với thế hệ trẻ, ông như một cuốn lịch sử sống tìm về, lắng nghe về cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. 

Tuy tuổi cao nhưng ông  vẫn lạc quan sống tích cực.

Theo ông Tư Cang, lịch sử là điều mà thế hệ sau luôn cần phải ghi nhớ, đó là minh chứng về một quá khứ hào hùng của dân tộc, để mỗi chúng ta mang trong mình niềm tự hào sâu sắc và để vững bước tới tương lai, xứng đáng với những gì lớp lớp người đi trước đã cống hiến, hy sinh. 

Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) quê ở Bà Rịa, Vũng Tàu, năm nay đã 94 tuổi. Tham gia kháng chiến từ năm 1947 cho đến sau ngày hòa bình, ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó nổi bật nhất là cụm trưởng Cụm tình báo H63 với nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.

Sau hòa bình, ông đã viết nhiều tập sách kể về đồng đội mình: Tình báo kể chuyện, Sài Gòn Mậu Thân 1968, Trái tim người lính, Hoàng hôn trên chiến trường, Bến Dược vùng đất lửa, Nước mắt ngày gặp mặt...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn