MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ký ức liệt sĩ Gạc Ma qua lời kể của người thân

Hữu Long - Hoài Luân LDO | 11/03/2023 19:22

Khánh Hòa - Sự kiện Gạc Ma đã qua 35 năm, nhưng người còn sống vẫn giữ những di vật và kỷ niệm về các liệt sĩ đã hi sinh vì chủ quyền biển đảo dân tộc.

Những hy sinh đã hóa thành bất tử

Những ngày đầu tháng 3, bà Đỗ Thị Hà (56 tuổi, trú phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh) từ TP.HCM trở về nhà ở TP.Cam Ranh để sửa soạn bàn thờ và lên thắp hương cho chồng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Chồng bà Đỗ Thị Hà là liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (Phó đảo Gạc Ma - Lữ đoàn 146), hy sinh ngày 14.3.1988 trong sự kiện Gạc Ma.

Trong ký ức của bà Hà, liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh là người thông minh, sống chan hòa với đồng nghiệp và bà con hàng xóm. Vào năm 1986, bà Đỗ Thị Hà và chồng là ông Đinh Ngọc Doanh kết hôn.  

Những hình ảnh về người chồng luôn được bà Hà trân trọng gìn giữ. Ảnh: Hữu Long

Cuộc sống vợ chồng những năm đầu hôn nhân tuy vất vả nhưng hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười sau sự ra đời của cô con gái tên Đinh Thị Mỹ Lệ.

Khi con gái 13 tháng tuổi, chồng về nhà báo tin nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 cử ông ra đảo Gạc Ma, lòng bà Hà có chút lo lắng.  Tuy vậy, bà tự trấn an bản thân và động viên chồng an tâm đi công tác xa. Ở nhà, bà sẽ chăm sóc con gái chu đáo, đợi ngày chồng trở về.

Có một kỷ niệm mà bà Hà nhớ lại là trước khi ra Gạc Ma, ông Đinh Ngọc Doanh đã gom toàn bộ kỷ vật bỏ vào rương mang về nhà giao cho bà. Đêm trước ngày ra đảo, ông Doanh hứa nhiệm vụ xong sẽ về đưa hai mẹ con ra Ninh Bình, thăm gia đình nhà nội.

Lời hứa đó của chồng mãi không bao giờ thành hiện thực bởi trong lúc làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma (ngày 14.3.1988), ông Đinh Ngọc Doanh đã hi sinh anh dũng...

Thấm thoắt sự kiện Gạc Ma đã trải qua gần 35 năm nay, thế nhưng những hình ảnh của người chồng, những kỷ vật anh để lại vẫn được bà Đỗ Thị Hà trân trọng gìn giữ. Bà bảo, những kỷ vật, những huân, huy chương mà chồng đạt được chính là động lực để bà làm việc, nuôi nấng con cái nên người, không phụ sự hy sinh của người chồng đã mất.

Thắp tiếp ngọn lửa yêu nước

Thượng úy Trần Thị Thủy (35 tuổi) đang công tác tại Vùng 4 Hải quân là con gái của liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương - Đảo phó đảo Gạc Ma - lữ đoàn 146. Ít ai biết thiếu úy Trần Văn Phương nhận nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma khi vợ ông mang thai con gái đầu lòng được 1 tháng.

Thượng úy Trần Thị Thủy vẫn còn lưu giữ những bài thơ tình năm xưa của bố gửi cho mẹ. Ảnh: Hữu Long

Chị Thủy sinh ra và lớn lên trong căn nhà bên dòng sông Gianh ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch mà nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Từ ngày con nhỏ, chị đã có một ước mơ được công tác tại Vùng 4 Hải quân – nơi bố từng công tác.

Vào năm 2010, chị được lãnh đạo tạo điều kiện công tác tại Vùng 4 Hải quân và vinh dự làm đại biểu ra thăm Trường Sa năm ấy. Khi tàu đến vùng biển đảo Gạc Ma, cảm giác của chị Thủy vô cùng xúc động, cảm nhận như bố ở rất gần và mỉm cười với con gái.

“Giữa biển Gạc Ma, bỗng dưng có sóng điện thoại nên tôi điện về mẹ. Nghe tin tôi đang ở khu vực đảo Gạc Ma – nơi bố từng hi sinh, hai mẹ con vỡ òa cùng nhau khóc” – chị Thủy kể lại.

Sau chuyến đi đấy, chị Thủy may mắn được 3 lần quay trở lại Trường Sa. Mỗi lần đến với vùng biển Gạc Ma, cảm giác xúc động vẫn còn nguyên như lần đầu.

Là con gái của anh hùng liệt sĩ trong sự kiện Gạc Ma nên chị Trần Thị Thủy luôn ý thức trong công việc và giáo dục tinh thần yêu nước cho con gái trong nhà. Chị bảo rằng, sự hy sinh của bố và 63 liệt sĩ trong sự kiện Gạc Ma năm xưa là chỗ dựa tinh thần để thế hệ hôm nay học tập và thi đua bảo vệ tổ quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn