MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương cơ sở là động lực để bác sĩ miền núi cống hiến. Ảnh: Khánh Linh

Kỳ vọng mức lương mới, đãi ngộ mới đưa bác sĩ giỏi về vùng cao

Minh Nguyễn - Khánh Linh LDO | 01/07/2024 06:30

Tình trạng thiếu bác sĩ đang diễn ra ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Nguyên nhân một phần do lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự thu hút. Ngành Y tế vùng cao kỳ vọng đợt tăng lương này có thể đưa chân bác sĩ giỏi về vùng cao.

"Đỏ mắt" tìm bác sĩ giỏi về vùng cao

Đã 4 năm nay, Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La phát đi thông báo đăng tuyển bác sĩ đảm nhiệm vị trí Trưởng trạm tại các Trạm Y tế xã, thế nhưng, cũng ngần ấy thời gian, không có lấy một hồ sơ ứng tuyển.

Chia sẻ những trăn trở khi thiếu nhân lực với PV Báo Lao Động, ông Lường Duy Phú - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ chia sẻ: "Hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có 9 xã có Trưởng trạm Y tế là bác sĩ, còn 5 xã đang trống vị trí này".

Theo ông Phú, việc thiếu Trưởng trạm Y tế đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân được vị này cho hay là do không có nguồn bác sĩ trẻ để tuyển dụng. Bên cạnh đó, một phần do lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự thu hút bác sĩ trẻ, giỏi về cống hiến cho vùng cao.

"Một số con em của Sơn La sau khi hoàn thành việc học chuyên nghiệp về ngành Y sẽ chọn cách ở lại các thành phố lớn hoặc về công tác tại tuyến tỉnh, tuyến huyện, khiến tuyến cơ sở mãi vẫn chưa thể tuyển được nhân lực" - ông Phú nói.

Bác sĩ Trạm Y tế xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La khám bệnh cho người dân. Ảnh: Khánh Linh

Cũng theo tìm hiểu của PV, tình trạng này không chỉ xảy ra ở huyện Vân Hồ mà ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong đó, tại huyện Bắc Yên đang thiếu 7 Trưởng trạm Y tế xã.

Kỳ vọng mức lương mới thu hút bác sĩ trẻ về công tác ở vùng khó

Là bác sĩ biết mổ nội soi duy nhất ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai - bệnh viện tuyến huyện vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La, bác sĩ Tòng Văn Phong có lẽ là người thấu hiểu nhất những vất vả, hy sinh của một cán bộ y tế vùng cao.

Bác sĩ Tòng Văn Phong chia sẻ: "Khác với những ngành khác, một cán bộ ngành Y, đặc biệt là bác sĩ, để hoàn thành được chương trình học đại học thì mất ít nhất 6 năm. Sau khi ra trường cũng phải mất thêm 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề. Học hành vất vả là thế nhưng mức lương và chế độ đãi ngộ chưa thật sự tương xứng khiến không ít y, bác sĩ chạnh lòng".

Không chỉ thực hiện công việc khám, chữa bệnh, bác sĩ vùng cao còn hỗ trợ các hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn. Ảnh: Khánh Linh

Theo bác sĩ Phong, công tác ở vùng cao, điều kiện thiếu thốn, vất vả, đường sá đi lại xa xôi khiến nhiều bác sĩ trẻ không mặn mà. Thậm chí nhiều người con của các tỉnh miền núi sau khi hoàn thành chương trình học đã ở lại thành phố công tác mà không trở về quê hương.

Điều này dẫn đến việc ngành y tế vùng cao vẫn trăn trở với bài toán "khát" nhân lực.

"Mới đây, khi biết mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đội ngũ y, bác sĩ vùng cao cũng rất phấn khởi. Hy vọng rằng cùng với lương và các khoản phụ cấp sẽ là động lực để các bác sĩ trẻ về vùng cao công tác" - bác sĩ Phong nói.

Cũng theo ông Lường Duy Phú, vào tháng 12.2019, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh Sơn La, với mức ưu đãi cao nhất là 105 triệu đồng và thấp nhất là 45 triệu đồng.

Ngành Y tế tỉnh này kỳ vọng kết hợp cả 2 yếu tố nói trên sẽ giúp giải bài toán thiếu nhân lực vùng cao.

Sáng 29.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1.7.2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1.1.2025).

Cùng với đó, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1.7.2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn