MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương tối thiểu vùng là mong mỏi của tất cả công nhân, người lao động mong giảm bớt những vất vả, lo toan. Ảnh: Khánh Linh

Kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng để bớt khó khăn

Khánh Linh LDO | 09/12/2023 18:00

Nhiều công nhân ở các tỉnh miền núi Tây Bắc mong muốn lương tối thiểu vùng sẽ tăng trong lần điều chỉnh sắp tới để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt, bớt cảnh “thiếu trước hụt sau”.

Lương thấp, công nhân thắt lưng buộc bụng

Trở về phòng trọ chật hẹp sau ca làm mệt mỏi, chị Bùi Thị Hảo (công nhân Công ty COASIA CM VINA - tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình) lại tất tả đi chợ, nấu cơm, chuẩn bị bữa tối. Với đồng lương ít ỏi, bữa cơm của chị cũng như các công nhân ở nhiều xóm trọ khu vực này cũng chỉ có ít rau, quả trứng hoặc có thêm chút thịt. Tài chính eo hẹp lại nhiều khoản phải chi khiến những công nhân nơi đây phải “thắt lưng buộc bụng” mới có chút tiền gửi về quê nhà.

Chị Hảo chia sẻ: “Tôi làm công nhân đến nay đã 9 năm 3 tháng, lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/tháng. Nếu đi làm đều thì có thêm tiền chuyên cần và phụ cấp hơn 900.000 đồng, cộng lại được khoảng 6 triệu đồng/tháng”.

Với khoản tiền đó, từ tiền thuê trọ, ăn uống đến chi phí sinh hoạt, tiền học cho con, ma chay, hiếu hỷ... không ít lần nữ công nhân này phải đi vay mượn thêm mới đủ trang trải.

“Giá hàng hóa tăng, chỉ có lương là giậm chân tại chỗ. Cầm đồng lương trên tay cũng phải cân đo đong đếm lắm mới tạm đủ chứ chưa tính đến chuyện có dư”, nữ công nhân này chia sẻ.

Tương tự, với chị Hoàng Ngọc Diễm (công nhân Công ty Hansol Electronics Việt Nam - KCN Yên Bình, TP Phổ Yên, Thái Nguyên), mức lương hiện tại, nếu không tăng ca, chỉ đảm bảo cho gia đình mức sống cơ bản. “Nhà tôi có con mới 18 tháng, chỉ tính riêng tiền bỉm sữa, đồ ăn hằng ngày của con đã tiêu tốn nửa tháng lương của mẹ. Nếu không tăng ca, chỉ nhận mức lương cơ bản khoảng 5 - 6 triệu đồng thì thực sự không đủ sống” - chị Diễm nói.

Thời gian tới, chị Diễm mong muốn lương tối thiểu vùng có thể tăng lên trên 5 triệu đồng/tháng, như vậy, cuộc sống của gia đình chị mới đỡ vất vả.

Thấp thỏm chờ thưởng Tết

Không chỉ mong được tăng lương, nhiều công nhân còn thấp thỏm chờ tiền thưởng Tết 2024. Với họ, đây không đơn giản là khoản tiền quyết định một cái Tết ấm no, mà còn là niềm động viên để họ tiếp tục cố gắng trong những năm tới.

Chị Bùi Thị Nha - công nhân một công ty may ở Hoà Bình cho biết: “Năm ngoái công ty thưởng cho công nhân gần 1 tháng lương cơ bản, nhưng năm nay tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, chưa biết sẽ như thế nào. Tất cả công nhân ai cũng ngóng chờ công bố mức thưởng Tết của năm nay”.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số công ty có dự kiến thưởng Tết Nguyên đán năm 2014 cho công nhân. Cụ thể, Công ty TNHH GGS Việt Nam, dự kiến số tiền thưởng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng là hơn 4,1 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có các mức thưởng khác như thưởng thâm niên, thưởng chuyên cần sẽ dao động từ 1 - 4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công đoàn công ty này cho biết, phía công ty cũng đã chuẩn bị 30 vé xe Tết và 50 phần quà cho công nhân ở xa, có hoàn cảnh khó khăn giúp họ có một cái Tết trọn vẹn.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế, xã hội cuối năm 2023 gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng, dự báo việc lương, thưởng Tết năm 2024 cũng gặp khó.

Thông tin đến Lao Động, đại diện Công ty May Phù Yên (huyện Phù Yên, Sơn La) cho biết, đã 3 tháng nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng giảm đi đáng kể, thậm chí công ty đã phải cho công nhân nghỉ ngày thứ 7 do không có việc.

“Tết Nguyên đán năm 2023, tiền thưởng Tết của công nhân dao động từ khoảng 2 - 4 triệu đồng. Nhưng năm nay, dù chưa có thông tin cụ thể về mức thưởng Tết nhưng dự kiến sẽ giảm đáng kể so với năm ngoái vì tình hình làm ăn của công ty gặp khó khăn” - đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn