MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông ở cột cờ giới tuyến Hiền Lương. Ảnh: Hưng Thơ

Lá cờ còn, Tổ quốc còn

HƯNG THƠ LDO | 01/09/2020 06:28

Bây giờ, trong Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (tỉnh Quảng Trị), cột cờ giới tuyến có chiều cao 38,6 mét với lá cờ Tổ quốc có diện tích 73,5m2 lúc nào cũng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời. Cứ gần dịp lễ 30.4 hay 2.9, thường là vào sáng sớm, ông Lê Công Hường (SN 1936, trú tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) ra sân nhà, đứng nghiêm nghị nhìn về phía cột cờ giới tuyến, lòng trào dâng những xúc cảm khó tả.

Ông Hường là nhân chứng hiếm hoi trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ cột cờ giới tuyến trong những năm chiến tranh ác liệt. Nay đã 84 tuổi, ông không nhớ rõ các mốc thời gian về năm tháng, nhưng nhiệm vụ bảo vệ cờ như thế nào thì “không thể quên được”.

Ông Hường kể, dọc con đường vào thôn Hiền Lương bây giờ, trước kia có 1 giao thông hào dẫn về phía cầu Hiền Lương. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông và 5 người khác được giao nhiệm phối hợp với các đơn vị khác để dựng cờ Tổ quốc ở gần cầu Hiền Lương. “Mỗi lần đi dựng cờ là 3 người, cứ men theo hầm hào chạy đến gần mố cầu, dựng cờ lên là chạy về thật nhanh vì pháo bắn phá” – ông Hường, nhớ lại. Những lá cờ đỏ sao vàng được treo lên bằng cây tre, khi thấy cờ xuất hiện, thì quân giặc dùng pháo bắn phá. Nếu này bị phá thì nhóm ông Hường lại đến dựng cờ khác.

Đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, quân ta cho dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12m treo lá cờ khổ 3,2mx4,8m. Ở bờ Nam, quân Pháp liền cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt cao 15m tại làng Xuân Hòa (xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Cờ mình phải cao hơn cờ địch để nhân dân nhìn thấy mà phấn khởi, vì vậy ông Hường và các đồng đội tìm kiếm cây gỗ cao 18 mét để treo lá cờ rộng 24m2. Đến tháng 2.1956, sau khi chuyển giao chính quyền, Ngô Đình Diệm cho xây dựng hẳn một cột cờ kiên cố có chiều cao là 30m, trên đỉnh treo một lá cờ Việt Nam Cộng hòa. Đáp lại, Trung ương đã đưa vào Hiền Lương một cột cờ bằng thép ống cao chừng 34m treo lên lá cờ rộng 108m2. Chưa hết, khi chính quyền Ngô Đình Diệm nâng cột cờ lên thành 35m, Chính phủ ta cho dựng một cột cờ mới kiên cố cao trên 38m, treo lên lá cờ rộng 134m2 được làm bằng vải nhung nặng tầm 15kg.

Sau “cuộc chiến” nâng cờ, năm 1965, Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cột cờ giới tuyến bị bom đạn tàn phá. Nhưng cờ rách thì đem vá, cột cờ gãy thì thay cột cờ mới. Riêng năm 1967, ông Hường và những đồng đội đã thay cột cờ 11 lần và thay lá cờ 42 lần. “Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ cho cờ Tổ quốc luôn hiện diện ở giới tuyến với lời thề: Lá cờ còn, Tổ quốc còn. Nên cột cờ bị gãy thì phải dựng cột mới, lá cờ bị hỏng thì phải may vá sửa sang lại ngay” – ông Hường, chia sẻ.

Năm 2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ giới tuyến. Ông Hường cũng dựng nhà ở mảnh đất phía sau cột cờ. Bây giờ, những đồng đội ngày xưa cùng ông dựng cờ, bảo vệ cờ nhiều người đã mất. Cứ vào ngày lễ trọng đại của đất nước, ông Hường thường mang quần áo nghiêm chỉnh, dành ít phút ra đứng ở sân nhà, nhìn về phía cột cờ giới tuyến. Những lúc đó, lời thề “Lá cờ còn, Tổ quốc còn” vẫn vẹn nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn