MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một con phố ở quận 7, TPHCM nhìn hiện đại nhưng lại không có tên. Ảnh: HC

Lạc trong ma trận tên đường "viết tắt" và đánh số ở TPHCM

Huân Cao LDO | 06/08/2019 15:08

Không chỉ tồn tại tình trạng nhà không số, phố không tên, tại TP. Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều tên đường viết tắt, đánh số khó hiểu, tên vô nghĩa và khó tìm.

Nhiều người không hiểu đây là đường hay là hẻm? Ảnh: HC

Viết tắt tùy tiện dẫn đến khó hiểu và khó tìm

Sáng 6.8, phóng viên Báo Lao Động thử hỏi người dân đường TCH 18 để vào trường Đại học Giao thông Vận tải. Mặc dù phóng viên đang đứng trước trường Đại học Lao động - Xã hội nằm trên đường (Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12), cách đường TCH 18 chỉ 200m nhưng nhiều người dân ở đây đều lắc đầu không biết.

Một người dân còn "trách" phóng viên là sao không nói đường vào Đại học Giao thông Vận tải cho dễ chỉ, mà đi hỏi đường TCH 18 thì ai mà biết? Hóa ra tên đường này tồn tại nhiều năm, nhưng không ít người dân địa phương không biết sự hiện diện của nó.

 Đại học GTVT nằm trên đường TCH 18, nhưng nhiều người không biết đến con đường này. Ảnh HC

Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn tồn tại rất nhiều tên đường với cách đặt tên viết tắt và kèm đánh số khó hiểu, khó tìm như vậy.

Tại quận 12, nhiều tên đường được đặt theo tên phường, ví dụ phường Đông Hưng Thuận thì tên đường sẽ là viết tắt tên phường kèm với số thứ tự theo sau như: ĐHT 02, ĐHT 3, ĐH 11… Tương tự, ở phường Trung Mỹ Tây, có nhiều đường mang tên TMT 2A, TMT 05, TMT 13...

Phóng viên càng ngạc nhiên hơn khi có một con đường cắt đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 mang cái tên TCH 34-35-36 mà không hiểu nghĩa là thế nào.

Di chuyển đến huyện Hóc Môn, chúng tôi nhận thấy tình trạng đặt tên đường theo kiểu trên "nở rộ" hơn. Cụ thể, dọc đường Phan Văn Hớn ở xã Xuân Thới Thượng là những con đường cắt ngang có tên: XTT2, XTT5, XTT 46, XTT 19, XTT 27, XTT 6-2, XTT 6-2-1, XTT 6-2-2...

Tên đường viết tắt lại được phổ biến tại nhiều quận, huyện tại TPHCM. Ảnh: HC

Đến quận nội thành cũng bí tên đường

Quận 7 được xem là quận đô thị văn minh và hiện tại bậc nhất TPHCM. Nơi đây được ví như một Singapore thu nhỏ, thế nhưng nhiều tên đường tại đây cũng thể hiện thế "bí" không kém gì quận ngoại thành.

Phóng viên đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Himlam thì bắt gặp nhiều con đường chỉ được được đánh theo số hoặc theo chữ cái A, B, C… Dọc đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 là những con đường cắt ngang chỉ mang tên số đơn độc như: 3, 5, 16, 31... Dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ là những con đường D4, A3, 5A... rất khó tìm.

Tên đường đơn giản chỉ được đánh số ở quận 7. Ảnh: HC

Đến những cái tên nghe vô nghĩa

Bên cạnh những đường mang số, chữ, hoa và viết tắt, TPHCM còn có những tên đường gắn liền với địa danh "lịch sử" sinh ra nó, điển hình là đường Kênh nước đen.

Theo đó, một con kênh hôi thối với màu nước đen ngòm tồn tại bao nhiêu năm ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Sau khi được cải tạo và mở ra hai làn đường chạy dọc theo con kênh này, cơ quan chức năng đặt cho cái tên nghe rất "chất": Đường Kênh nước đen.

Ngoài ra còn có những con đường mang tên nghe cũng "chất" không kém như: Đường Tên Lửa (quận Bình Tân), Cống Lở (quận Tân Bình), Bờ Bao Tân Thắng (quận Tân Phú),... Trước đây, ở quận Tân Phú còn có con đường mang tên Điện Cao Thế, nhưng do dân không đồng tình nên cơ quan chức năng đã đổi tên thành Nguyễn Thế Truyện.

 Quận 1 và quận Gò Vấp đều có tên đường  Phạm Ngũ Lão, mặc dù cách nhau hàng chục km. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho du khách, nhất là khách nước ngoài. Ảnh: HC

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Tông Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cho biết, hiện toàn thành phố có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên vô nghĩa.

"Qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy thành phố có hơn 400 tên đường không có ý nghĩa và đặt cho có. Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các tuyến đường mới liên tục được mở ra, trong khi quỹ tên đường có hạn nên mới dẫn đến nhiều đường mang tên vô nghĩa và trùng lắp" - bà Trân nói.

PGS.TS Lê Trung Hoa, Ủy viên Thường trực Hội đồng Đặt tên đường TPHCM thì cho rằng, mặc dù đã có sự thay đổi và khắc phục, tuy nhiên, hiện tại thành phố vẫn còn nhiều tên đường đang bị đặt tên sai quy định, cần phải thay đổi nhưng không được, làm xáo trộn đời sống người dân.

Theo ông Hoa, từ cuối năm năm 2017 đến nay, thành phố đã có nhiều đợt sửa tên đường và đặt mới tên đường. Để quỹ tên đường thêm đa dạng, Hội đồng Đặt tên dự kiến bổ sung thêm các loại đặc sản Nam Bộ, địa danh của các tỉnh, thành phố và các khái niệm như Dân chủ, Độc lập, Tự do, Biển đảo… vào quỹ tên đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn