MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá lúa tăng, nông dân ăn Tết vui nhưng một số lão nông tại Bạc Liêu lại lo cho công nhân, dân nghèo. Ảnh: Nhật Hồ

Lãi lớn vì giá lúa tăng, nông dân lo lắng cho công nhân, người nghèo thành thị

NHẬT HỒ LDO | 11/02/2024 12:32

Bạc Liêu - Một ha lúa thu hoạch những ngày giáp Tết, nông dân miền Tây lãi hơn 70 triệu đồng. Hầu hết đều vui mừng vì lần đầu tiên trồng lúa lãi nhiều đến vậy. Tuy nhiên, tâm sự đầu năm ngày mùng 2 Tết, nhiều lão nông lại lo cho… người nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Phong, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu sản xuất gần 2ha. Lúa chưa thu hoạch nhưng năm nay ông ăn một cái Tết đủ đầy. Ông cho biết thương lái đã đưa tiền cọc trước Tết với giá 10.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi ha ông Phong lãi hơn 70 triệu đồng.

Ông Phong chia sẻ: “Tôi làm ruộng hơn 50 năm, chưa năm nào giá lúa cao như năm nay. Giá cao, lãi nhiều là điều không phải bàn. Nghe các chuyên gia nhìn nhận giá lúa tăng do giá gạo tăng. Mà gạo tăng do chiến tranh ở các nơi trên thế giới liên miên, thiếu gạo nên họ mới mua cao như vậy”.

Thu hoạch lúa những ngày Tết. Ảnh: Nhật Hồ

Mừng cho mình, cho người trồng lúa nói chung, nhưng ông Phong cũng lo cho dân nghèo, công nhân lao động ở chốn thị thành.

Ông Phong kể, gia đình ông có 4 người đang lao động tại Đồng Nai. Lương thưởng năm nay không nhiều, lúa tăng người trồng lúa mừng, đồng nghĩa với việc 4 người thân tôi mua gạo giá cao hơn, cuộc sống khó khăn hơn.

Trần Văn Hậu, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch xong hơn 2ha lúa những ngày áp Tết. Ông chia sẻ: “Mừng thì rất mừng, nhưng lo là giá lúa gạo tăng kéo theo giá mặt hàng khác tăng theo khổ cho mấy đứa công nhân, làm công ăn lương”.

Những tưởng giá lúa tăng, nông dân ai cũng vui, nhưng tại vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều nông dân lo cho cuộc sống của người khác. Lo giá lúa tăng, người dân nghèo thị thành khổ. Ông Hậu cười thật tươi khi chúng tôi đề cập đến việc này. Ông tóm một câu: Tết là sẻ chia mà. Mình khá lên, giàu lên trong khi người khác còn khó khăn thì niềm vui chưa trọn vẹn.

Giá lúa tăng, người dân tận dụng những khoảnh đất trống sau vườn nhà gieo hạt, không ngờ cây lúa phát triển cho thu hoạch khá. Ảnh: Nhật Hồ

Năm 2024 dự báo nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là trồng lúa. Bạc Liêu chủ động sản xuất kết hợp lúa tôm. Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh có hơn 40.000ha đất sản xuất theo mô hình lúa - tôm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Qua thống kê cho thấy, hiệu quả đem lại từ việc kết hợp giữa cây lúa - con tôm không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác mà còn tạo môi trường thuận lợi cho con tôm, cây lúa phát triển tốt.

Tỉnh Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này. Bạc Liêu định hướng đến năm 2025, mở rộng diện tích hơn 43.000ha sản xuất lúa - tôm. Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nhân rộng mô hình.

Đồng thời, xây dựng mô hình tôm sạch - lúa an toàn theo quy trình hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, tôm sạch mang thương hiệu Bạc Liêu; đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng, mã số ao nuôi, xây dựng vùng sản xuất lúa, vùng nuôi an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mô hình canh tác này theo hướng lúa thơm - tôm sạch, tôm sạch - lúa hữu cơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn