MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí BOT trên QL5A. Ảnh: ĐT

Lãi vay ngân hàng đè nặng doanh nghiệp BOT giao thông

Đặng Tiến LDO | 10/09/2021 06:30

Việc phải hạch toán lãi vay ngay tại thời điểm phát sinh đối với các khoản vay chiếm tới 85% chi phí đầu tư công trình đang làm biến dạng tình hình tài chính của doanh nghiệp BOT giao thông. Cùng với đó do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trạm thu phí BOT đang sụt giảm trên 80% khiến các nhà đầu tư đang khó chồng khó.

Rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Tasco, đơn vị có gần 10 dự án đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang trong giai đoạn thu phí hoàn vốn. Các dự án hạ tầng giao thông triển khai theo hình thức PPP, trong khi hợp đồng BOT có rất nhiều điểm khác biệt so với các dự án sản xuất kinh doanh thông thường.

Nếu Bộ Tài chính không sớm ban hành quy định riêng về hạch toán, phân bổ lãi vay cho doanh nghiệp BOT giao thông, thì nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực này sẽ bị hủy niêm yết, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhà đầu tư

Trưởng phòng Marketting Tasco - ông Ngô Quốc Đông - cho biết, tổng vốn đầu tư dự án BOT thường rất lớn (từ 1.000 tỉ đồng đến 25.000 tỉ đồng), cùng đó phần lớn giá trị đầu tư được thực hiện bằng vốn vay (chiếm 80 - 85% tổng mức đầu tư), nên khoản chi phí lãi vay những năm đầu thường rất cao (do số dư tính lãi vay vốn lớn), sau đó, số dư tính lãi vốn vay giảm dần và chi phí lãi vay giảm theo. Trong khi đó, doanh thu của các dự án BOT trong các năm đầu thường rất thấp. Doanh thu thu phí sẽ tăng dần cùng với tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe, điều chỉnh giá vé sử dụng đường bộ (do trượt giá) và lên đến đỉnh sau khoảng 3/4 thời gian thu phí hoàn vốn.

Một điểm khác biệt rất lớn nữa là, nếu như các dự án sản xuất kinh doanh thông thường, lợi nhuận của nhà đầu tư thường không chắc chắn, luôn xuất hiện rủi ro thua lỗ, thì lợi nhuận của nhà đầu tư dự án BOT lại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chốt ngay trong hợp đồng dự án. Các doanh nghiệp dự án BOT sẽ phải ghi nhận các khoản lỗ lũy kế rất lớn trong 2/3 - 3/4 vòng đời dự án, trong khi toàn bộ lợi nhuận của dự án lại dồn vào những năm cuối cùng.

Theo đó, để phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BOT, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án BOT (không bao gồm chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định đã vốn hóa) cần tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định tương ứng theo doanh thu tính thuế trong kỳ.

Theo các chuyên gia tài chính, việc hạch toán lãi vay theo quy định hiện hành đang gây ra những khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, vốn huy động khác và vốn huy động trên thị trường chứng khoán… Do vậy, cần có hướng dẫn riêng về hạch toán áp dụng cho dự án BOT để đảm bảo các số liệu tài chính được thể hiện phù hợp với tính chất dự án, phản ánh được hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - ông Trần Văn Thế - cho biết, bài toán ngược trong việc hạch toán chi phí lãi vay đối với các dự án BOT giao thông cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, tránh để kéo dài gây thêm thiệt hại cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Khó chồng khó

Đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - ông Trần Anh Tú - cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện doanh thu một ngày chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch. Chưa kể trước đó để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đơn vị đã giảm 30% giá vé cho các phương tiện, đơn vị cũng đã có kiến nghị với Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT. Nhưng đây là thời gian cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp, trong bối cảnh khó chung của cả nước nên hiện tại đơn vị chỉ tập trung duy trì hoạt động, đảm bảo tốt nhất đời sống người lao động.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - cho biết, từ ngày 23.7.2021, khi UBND TP.Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ giãn cách toàn thành phố, đơn vị chấp hành nghiêm chỉ đạo và tạm dừng thu phí đến khi có thông báo mới.

Ông Khôi cho biết, trung bình một tháng doanh thu của trạm được khoảng 70 tỉ đồng, hiện không có nguồn thu, 360 người lao động phải nghỉ việc luân phiên và hưởng lương cơ bản (không có lương sản phẩm). Vẫn phải trực 24/24 tại các trạm và duy trì hệ thống, máy móc và hoạt động an toàn toàn tuyến và tham gia chống dịch cùng các lực lượng của UBND TP.Hà Nội.

Để gỡ khó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ đối với dự án không đủ nguồn thu. Đến khi trở lại trạng thái bình thường sẽ cơ cấu, tính toán lại giữa nhà đầu tư, ngân hàng và Bộ GTVT để kiến nghị Chính phủ có phương án khả thi để hoàn vốn trả lãi và gốc cho ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn