MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ TNGT ngày 28.7.2022, tại Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: GT

Lái xe có tiền sử bệnh thần kinh: Xem lại việc cấp giấy phép lái xe

Đặng Tiến LDO | 01/08/2022 08:29

Vừa qua nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến việc người điều khiển phương tiện có tiền sử bệnh thần kinh. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại toàn bộ quy trình cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng cần phải kiểm tra kỹ vì một số lái xe lợi dụng để khai báo gian dối nhằm nhẹ tội.

Hàng loạt tai nạn nghiêm trọng

Khoảng 16h30 ngày 30.12.2021, lái xe Nguyễn Văn Thâu điều khiển xe đầu kéo BKS 77C-154.14 kéo theo rơ móc 77R-006.81 của Công ty Phúc Vinh (trụ sở TP.Quy Nhơn), chạy trên tỉnh lộ ĐT 638, đoạn thuộc thị xã An Nhơn. Khi đến ngã tư thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, chiếc xe bất ngờ tông vào nhiều xe máy đang lưu thông trên đường. Hậu quả đã làm 2 người chết và 13 người bị thương nặng. Điều đáng nói ở đây là lái xe Nguyễn Văn Thâu đang uống thuốc điều trị bệnh tâm thần.

Mới đây nhất vào khoảng 20h ngày 28.7.2022, tại Hà Đông (Hà Nội), chiếc xe SantaFe 7 chỗ đang lưu thông theo hướng từ phố Ngô Thì Nhậm ra ngã tư Quang Trung bất ngờ đâm vào 2 ôtô khác và nhiều phương tiện đang dừng đèn đỏ. Vụ tai nạn khiến một người tử vong, một người bị gãy chân và 4 người khác bị thương nhẹ. Kiểm tra tại trụ sở công an, lái xe gây TNGT là Hà Thanh Hưng không có nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể. Đồng thời lái xe này khai nhận có tiền sử bị bệnh động kinh nặng, mỗi khi lên cơn gần như trí nhớ không còn. Lái xe gây tai nạn cho biết bị bệnh từ năm 2002 đến năm 2010 thì khỏi hẳn. Nhưng khi xảy ra tai nạn, lái xe không biết và cũng không nhớ chuyện gì đã xảy ra.

Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, người điều khiển phương tiện giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát, giữ khoảng cách với phương tiện phía trước. Trường hợp không tuân thủ quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Lỗ hổng khám sức khỏe

Thời gian qua, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát toàn thành phố qua đó xác định có khoảng 4.000 người bị bệnh tâm thần. Trên cơ sở đó, phòng đã báo cáo Công an TP.Hà Nội đề nghị Sở GTVT không cấp giấy phép lái xe cho các trường hợp trên. Nếu trong trường hợp nào đã được cấp, sẽ phải tiến hành thu hồi để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và chính người bị bệnh.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng thẳng thắn thừa nhận có tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe ngoài xã hội và một số cơ sở được thẩm quyền cho phép khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe không làm đủ nội dung. Cũng theo ông Quyền, Hiệp hội Vận tải ôtô đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị phải siết lại công tác quản lý khám và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe cho lái xe theo hướng Bộ Y tế quy định các cơ sở được cho phép khám, cấp giấy chứng nhận phải tích hợp vào một cơ sở dữ liệu chung của Bộ Y tế.

Theo các chuyên gia cần phải liên thông về thông tin, như một người có dấu hiệu tâm thần đi khám tại một bệnh viện thì thông tin đó phải được cập nhật tới những đơn vị cấp giấy phép lái xe để họ xem xét những trường hợp này. Bệnh nhân tâm thần có nhiều mức độ, nặng nhẹ khác nhau nên Bộ Y tế cần quy định cụ thể và đưa vào Luật để xác định những người đủ điều kiện được cấp GPLX. Có như vậy mới đảm bảo an toàn từ khâu khám sức khỏe để cấp GPLX đến việc kiểm soát thái độ, hành vi của họ khi điều khiển phương tiện.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, LS Nguyễn Đức Toàn (Cty Luật Vimax Asia) cho rằng, đầu tiên chúng ta cần xác định động kinh có phải là bệnh lý hay không và việc khám sức khỏe lái xe là trách nhiệm của Bộ Y tế đã được quy định rõ ràng. Khi đã được chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để học và cấp GPLX, có nghĩa là đủ tiêu chuẩn sức khỏe để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Do đó, trách nhiệm chính ở đây thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Cùng đó, là trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực y tế cũng như lĩnh vực sát hạch cấp bằng lái xe. Do đó cần phải tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, nâng cao giáo dục ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp, phải làm cho họ hiểu được rằng khi họ khám một cách hời hợt như vậy và để cho những người không đủ điều kiện sức khỏe tham gia giao thông sẽ là rất nguy hiểm cho xã hội và thậm chí sau này chính họ cũng có thể trở thành nạn nhân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn