MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lâm Đồng giám sát chặt hoạt động khai thác cao lanh gây ô nhiễm môi trường

Phan Tuấn LDO | 19/04/2023 16:57
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến cao lanh. Trong đó, các đơn vị cần đặc biệt chú trọng đến hoạt động vệ sinh môi trường tại hiện trường khai thác mỏ. 
Khu vực khai thác cao lanh ở tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quốc Hùng

Khai thác cao lanh ảnh hưởng đến người dân

Theo UBND thành phố Bảo Lộc, hiện nay, trên địa bàn có 3 doanh nghiệp khai thác cao lanh với diện tích hơn 157ha. Các công ty khai thác cao lanh bao gồm: Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng, Công ty TNHH Anh Kiên và Công ty TNHH thương mại và trồng trọt Tuấn Thiện. 

Riêng Công ty TNHH thương mại và trồng trọt Tuấn Thiện đang điều chỉnh một số một số nội dung của dự án Khai thác và chế biến cao lanh tại mỏ Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) và Lộc Tân (huyện Bảo Lâm). Hiện công ty này đang ngừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục thuê đất để thực hiện dự án theo quy định. 

Tìm hiểu thực tế mới đây cho thấy, dọc hai bên đường dẫn vào bãi khai thác cao lanh nằm trên địa bàn xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) có rất nhiều bãi tập kết cao lanh thô đang được chất cao ở nhiều khu vực, thậm chí cả trong vườn rẫy của người dân. 

Sau khi doanh nghiệp khai thác xong cao lanh thì sẽ có các phương tiện vận tải cỡ lớn xuất hiện, vận chuyển từ khu mỏ ở xã Lộc Châu ra Quốc lộ 20 hướng về các tỉnh phía Nam để tiêu thụ. 

Hoạt động vận chuyển cao lanh đang gây ảnh hưởng đến môi trường đối với những người dân xung quanh. Ảnh: Quốc Hùng

Thời gian qua, do xe tải lớn chở cao lanh thô thường xuyên di chuyển trên nền đường cấp đất chưa được cứng hóa nên có nhiều lớp bụi đất, bụi cao lanh... bay đã được phát tán, phủ lên cây trồng và nhà cửa của người dân hai bên đường.

Đối với sự việc này, ông L, đang tưới cà phê ở ven đường cho biết, ngày nào vườn cà phê của gia đình cũng phủ trắng bụi đất, cao lanh.

Do đó, ông L phải bơm nước để tưới cho cây cà phê không bị chết, điều này rất tốn kém công sức. Sự việc này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. 

Khai thác cao lanh phải bảo đảm môi trường

Liên quan đến sự việc này, ông Vũ Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Lộc Châu cho biết, thời gian qua vẫn còn tình trạng các phương tiện vận chuyển cao lanh mặc dù đã được che chắn, phủ bạt nhưng vẫn để rơi vãi cao lanh ra ngoài.

Nhiều bãi tập kết cao lanh thô được chất cao như núi. Ảnh: Quốc Hùng

Mặt khác, trên đoạn đường từ đồi thông Vương Bối vòng ra bờ hồ Mai Thành đang được thi công nên mỗi khi có xe vận chuyển cao lanh đi qua, có phát tán bụi ảnh hưởng đến người dân xung quanh.  

"Hiện nay, tuyến đường Trương Định đang được đầu tư cứng hóa. Trong đó, có 4 doanh nghiệp khai thác và vận chuyển cao lanh đóng góp hơn 4 tỉ đồng để cùng với Nhà nước xây dựng tuyến đường. Sau khi tuyến đường hoàn thành thì sẽ kiểm soát được tình trạng phát tán bụi bặm từ vận chuyển cao lanh" - ông Vân chia sẻ. 

Liên quan đến sự việc này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản (số 3060/UBND-TL) về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng cao lanh trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm chỉ đạo các phòng, cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến cao lanh của tổ chức tại địa phương quản lý,

Trong đó, các đơn vị cần đặc biệt chú trọng đến hoạt động vệ sinh môi trường tại hiện trường khai thác mỏ, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý các sai phạm trong hoạt động khai thác, chế biến cao lanh theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn