MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ phá rừng thông ở TP.Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: N.B

Lâm Đồng: Mất rừng, khi giao rừng cho doanh nghiệp quản lý

Nhiệt Băng LDO | 06/10/2020 19:08

Hàng loạt vụ phá rừng, để mất rừng diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua làm dấy lên dấu hỏi lớn về công tác giám sát sau khi giao rừng cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý, sử dụng, đầu tư dự án... Nhiều diện tích rừng bị mất, cơ quan chức năng tỉnh này yêu cầu chủ rừng bồi thường thiệt hại, nhưng phải mất một thời gian rất lâu, rừng mới được hy vọng được phục hồi.

Mất rừng vô số kể

Được giao hàng chục hécta rừng để thực hiện dự án đầu tư, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và kết hợp chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh du lịch dưới tán rừng, nhưng mới đây, Công ty TNHH Thành Phong (chủ đầu tư) phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với số tiền hơn 420 triệu đồng.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, sau khi giao dự án cho doanh nghiệp trên, tổng diện tích rừng bị mất là hơn 27ha, trữ lượng lâm sản bị thiệt hại 1.759m3. Tại tiểu khu 143 của doanh nghiệp này có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp còn lại là 21,695ha. Trong đó, đất có rừng trồng: 13,547ha; đất không có rừng: 8,148ha. Qua kiểm tra, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng ghi nhận diện tích rừng bị mất tại tiểu khu 143 là hơn 8ha. Trên phần đất này, Công ty TNHH Thành Phong và các ban, ngành lập hồ sơ vắng chủ 1 vụ phá rừng với diện tích 0,06ha, lâm sản bị thiệt hại là 10,02m3; phát hiện 4 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 1,47ha và lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 3 vụ, với số tiền 12 triệu đồng.

Theo ông Võ Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tại văn bản 1430 (ngày 18.9.2020): “Công ty TNHH Thành Phong chưa thực hiện đầu tư xây dựng các công trình có mái che, chỉ mới xây dựng 2 nhà bảo vệ rừng theo Giấy phép xây dựng số 38 (ngày 2.10.2009) và số 31 (ngày 20.7.2011) của UBND huyện Lạc Dương và 1 căn nhà sử dụng để làm quán bán cơm, nước giải khát. Vì vậy, Công ty TNHH Thành Phong phải có trách nhiệm khắc phục ngay các vi phạm như bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng, tiến hành trồng lại rừng trên diện tích mất rừng, giải tỏa 1 căn nhà xây dựng không phép đã nêu ở trên và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng trong việc giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên diện tích thực hiện dự án”.

Tương tự, qua kiểm tra dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu trên địa bàn thành phố Đà Lạt (do Công ty cổ phần du lịch Thiên Đường Đà Lạt làm chủ đầu tư), Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan ghi nhận, tổng diện tích rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là: 8,77ha (diện tích rừng bị mất: 8,50ha; diện tích đất bị lấn chiếm: 0,27ha). Thời gian bị mất rải rác qua các năm (khoảng từ năm 2010 - 2017) sau khi bàn giao đất, rừng cho doanh nghiệp để triển khai dự án. Bên cạnh đó, tổng trữ lượng lâm sản thiệt hại là 209,74m3 (trong đó, rừng tự nhiên: 7,99ha). Phần diện tích rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp, đối tượng rừng phòng hộ và một phần ngoài lâm nghiệp (trong quy hoạch lâm nghiệp: 6,20ha; ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 2,57ha).

Theo hồ sơ vi phạm lưu trữ tại Hạt Kiểm lâm Đà Lạt thì trên phần diện tích đất, rừng được thuê của Công ty cổ phần du lịch Thiên Đường Đà Lạt (trước đây là Công ty TNHH Trà Ngọc Duy) xảy ra nhiều vụ vi phạm. Từ năm 2008 đến 2017, tại lâm phần do công ty này quản lý xảy ra đến 11 vụ lấn chiếm, khai thác rừng trái phép. Các vụ vi phạm đã được Hạt Kiểm lâm Đà Lạt và UBND thành phố Đà Lạt xử lý.

Giao rừng tràn lan rồi bất lực giữ rừng!

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 3 chủ rừng nhà nước và 52 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng. Dù số lượng doanh nghiệp thuê rừng lớn như vậy, nhưng UBND huyện Bảo Lâm cho biết đến nay, tất cả chủ rừng chưa xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững. Một số đơn vị không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng hoặc có bố trí nhưng số lượng ít, không đủ năng lực; chậm triển khai dự án hoặc triển khai thực hiện dự án không đúng giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh cấp. UBND huyện Bảo Lâm cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, chưa kịp thời tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm, để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép mà không được giải tỏa, xử lý kịp thời...

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và lấn chiếm đất lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Mặc dù, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị chủ rừng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngay các đợt ra quân trong toàn lực lượng trên phạm vi toàn tỉnh để tuần tra, truy quét, hỗ trợ các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm/sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp...

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các chủ rừng rà soát diện tích đất trống, đất sau giải tỏa do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thuộc lâm phần quản lý để trồng rừng, khôi phục rừng, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng... “Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt thông tin và yêu cầu người đứng đầu cơ quan, địa phương cấp dưới phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan cấp trên và phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tương xứng với quy mô, tính chất và mức độ vi phạm (không chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm như trước đây) nếu để xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm/san gạt/sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích hoặc để đối tượng vi phạm canh tác, sử dụng diện tích do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý” - UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn