MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo BHXH Việt Nam, chi phí thuốc vẫn chiếm phần lớn trong tổng chi khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: H.A

Lạm dụng thuốc đang diễn ra phổ biến

AN THÁI LDO | 19/10/2017 07:30
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay tỉ lệ chi thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh (KCB) nói chung và KCB BHYT đều cao hơn các nước khác. Cụ thể, tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT năm 2015 khoảng 25.000 tỉ đồng (chiếm 47% tổng chi phí); năm 2016 là trên 32.000 tỉ đồng (43%) và 6 tháng đầu năm 2017 là khoảng 17.000 tỉ đồng (40%).

Chi phí thuốc vẫn chiếm phần lớn

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay chi phí thuốc vẫn chiếm phần lớn trong tổng chi KCB BHYT. Vì vậy, tác động của chính sách và quá trình mua sắm, lựa chọn sử dụng đối với chi tiêu về thuốc trong chi phí KCB BHYT với chi tiêu tiền túi của người dân cũng như cân đối quỹ BHYT là rất lớn.

Hiện tại, theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17.11.2014 của Bộ Y tế, danh mục thuốc bao gồm 1.064 thuốc tân dược; theo Thông tư 05/TT-BYT có 229 chế phẩm và 349 vị thuốc y học cổ truyền.

So với danh mục thuốc thiết yếu của WHO và danh mục thuốc của các nước trong khu vực và trên thế giới, danh mục thuốc của Việt Nam là khá rộng. Đồng thời, danh mục thuốc của Việt Nam là theo tên hoạt chất, không quy định tên thuốc cụ thể, không quy định hàm lượng, nồng độ, dạng bào chế nên đã tạo ra một thị trường hết sức đa dạng, phong phú với gần 20.000 thuốc.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, bất cập trong việc lựa chọn, kiểm soát sử dụng thuốc. Ví dụ như tỉ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc còn cao, tình trạng lạm dụng thuốc đang diễn ra khá phổ biến, nhất là các thuốc bổ trợ, acid amin và đạm truyền; xảy ra tình trạng kháng kháng sinh, lãng phí nguồn lực trong sử dụng thuốc.

Giá thuốc biệt dược gốc, nhất là biệt dược gốc hết hạn bản quyền nhiều năm không giảm, giá thuốc generic vẫn còn cao và một số thuốc có giá khác biệt giữa các địa phương, thậm chí giữa các bệnh viện trên cùng một địa bàn.

Nguyên nhân được đánh giá là do danh mục thuốc quá rộng, ghi chép thông tin trong đấu thầu còn chưa đúng, việc lựa chọn xây dựng danh mục thuốc, giá kế hoạch chưa thật phù hợp, việc thanh toán chi phí thuốc còn chưa kịp thời, tạo áp lực về lãi suất trên giá thuốc.

Vấn đề trên đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện, của các cơ sở KCB và của các DN trong việc thực hiện mục tiêu mua sắm đấu thầu thuốc chất lượng với giá cả hợp lý.

Đặc biệt, phải lựa chọn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trong điều trị, đảm bảo quyền lợi trong KCB và phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, khả năng chi trả của quỹ BHYT và đảm bảo lợi nhuận của DN cung ứng thuốc.

Tháo gỡ khó khăn cho DN nội

Vừa qua, tại hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với một số DN dược do BHXH Việt Nam phối hợp với Hiệp hội DN Dược tổ chức, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đặt ra vấn đề: Làm sao khuyến khích được thuốc sản xuất trong nước, đồng thời đưa tiêu chí chất lượng thuốc lên hàng đầu?

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện các DN dược cũng phản ánh nhiều khó khăn mà các DN trong nước đang gặp phải. Đó là thị phần của DN dược trong nước vẫn “cọc lệnh” so với các DN nước ngoài cả về số lượng và giá trị tuyệt đối trong chi phí thuốc.

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, khả năng cung ứng thuốc cũng đang làm khó các DN dược trong nước. Phản ánh thực trạng các hợp đồng đấu thầu thuốc hiện vẫn nghiêng nhiều về trách nhiệm của bên cung ứng, các DN cũng mong muốn có sự minh bạch hơn nữa về thông tin cũng như trách nhiệm của các bên tham gia.

Ghi nhận ý kiến của các DN, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: “BHXH Việt Nam sẽ tập hợp các kiến nghị, cung cấp thông tin, giải đáp và tháo gỡ băn khoăn của DN trong khả năng và trách nhiệm của mình. Những vấn đề vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách cũng sẽ được tập hợp để kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế”.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, để DN dược Việt Nam tham gia được vào thị trường cung ứng thuốc BHYT, bản thân các DN cũng phải chủ động và quan tâm hơn nữa trong việc tiếp cận các thông tin, quy định trong lĩnh vực hoạt động của mình, tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế một cách hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn