MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng. Ảnh: Ngô Cường

Lạm dụng xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm lợi nhuận

Thế Cường - Nguyễn Hà LDO | 06/12/2019 15:20
Ngày 5.12, Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn về ba nhóm vấn đề nóng đang được cử tri và người dân quan tâm, trong đó có vấn đề việc thực hiện công tác quản lý nhà nước với các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố hiện nay. 

“Có người từng thụ án vẫn trở thành hiệu trưởng”

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) đặt vấn đề về chính sách hỗ trợ xã hội hóa giáo dục ở Hà Nội. Đại biểu Dương cho rằng, hiện nay có chuyện lạm dụng xã hội hóa giáo dục, để những nhà đầu tư kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận trong vấn đề giáo dục, mà phần lớn giáo dục tư là giáo dục phi lợi nhuận.

“Do hành lang pháp lý của giáo dục tư phi lợi nhuận chưa hoàn thiện, dẫn đến chuyện giáo dục ngoài công lập thu hút toàn những nhà kinh doanh bất động sản, kinh doanh vàng bạc; thậm chí có người từng thụ án vẫn trở thành chủ nhiệm, hiệu trưởng của các trường. Từ đó dẫn đến việc mất an toàn trường học” - đại biểu Dương cho hay.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Mạnh Hải đặt câu hỏi, Hà Nội có nhiều trường ngoài công lập chất lượng tốt, song, bên cạnh đó có nhiều trường thể hiện cơ sở vật chất bộc lộ yếu kém, mất an toàn, trụ sở một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo thường được thuê từ nhà dân, không có phòng học, sân chơi đảm bảo diện tích, chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thiếu nhà vệ sinh, bếp ăn không đủ an toàn thực phẩm… 

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội - cho biết, sở nhận được các nội dung hỏi từ các đại biểu, trong đó các đại biểu quan tâm khá nhiều đến công tác quản lý lớp mẫu giáo mầm non tư thục. Về nguyên nhân một số nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục vẫn thuê địa điểm nhà dân, chung cư để triển khai quản lý và tổ chức hoạt động nhóm trẻ, ông Chử Xuân Dũng cho rằng, tại khu vực đó hệ thống trường mầm non của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn con đi học ở nơi phù hợp về thời gian, khoảng cách. Các nhóm trẻ thường phục vụ cho học sinh và các cháu địa bàn lân cận, phần lớn số học sinh thường biến động. Đây chính là lý do mà các chủ đầu tư không muốn đầu tư và định hướng lâu dài cho các công việc. Mà chủ yếu tận dụng thuê lại các phòng học, nhà chung cư, tập thể. Một số chủ đầu tư nhận thức còn hạn chế chưa rõ các quy định của pháp luật.

Giải pháp khắc phục tồn tại của trường ngoài công lập

Về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, ông Chử Xuân Dũng nói, thời gian vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội đã triển khai 6 nhóm giải pháp để khắc phục tồn tại mà các đại biểu đã nêu. Theo đó, sở đã lấy chủ đề cấp học mầm mon, tăng cường kỷ cương trong quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục là mục tiêu, thực hiện phương châm sâu sát cơ sở.

“Chúng tôi đã ban hành chỉ đạo đối với nhóm trẻ, lớp mầm non giáo dục tư thục, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn cơ sở, tổ chức thẩm định cấp phép, quản lý nhóm trẻ này. Đồng thời, yêu cầu các địa phương công khai nhóm trẻ đã được cấp phép trên các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Dũng cho hay.

GDĐT Hà Nội đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, xác định vai trò quan trọng trong phân cấp ở địa phương. Bởi, hiện nay, chính quyền phường, xã đang quản lý số trường lớn, chính vì vậy, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo tất cả địa phương. Sở cũng tổ chức tập huấn đến các nhóm trẻ bằng phương pháp trực tuyến.

“Chúng tôi cũng tăng cường chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non, xây dựng mô hình quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Tăng cường giám sát, hậu kiểm tra cấp phép, sau cấp phép của các cơ sở mầm non kiên quyết xử lý theo thẩm quyền”.

Học sinh trường Gateway tử vong: Ngành Giáo dục và Đào tạo có “một phần trách nhiệm” 

Tại phiên chất vấn trong kỳ họp 11 HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm, giải pháp của ngành Giáo dục sau sự cố bé trai trường Gateway tử vong, ông Chử Xuân Dũng cho biết, vụ việc xảy ra tại Gateway, ngành Giáo dục và Đào tạo có một phần trách nhiệm. Đây là sự việc hy hữu, vụ việc đau xót đối với ngành, trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc này là các cá nhân có liên quan đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp, ban giám hiệu nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn