MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm gì để hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2050, GDP đầu người đạt 32.000 USD

Anh Tuấn LDO | 12/01/2023 11:27

Việt Nam phấn đấu năm 2030 là "nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao" và năm 2050 thành "nước phát triển, thu nhập cao", với GDP thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 32.000 USD. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mấu chốt để hiện thực hóa mục tiêu trên chính là yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực. 

Yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực là mấu chốt

Theo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường, Việt Nam phấn đấu tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7% một năm trong 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước phát triển, thu nhập cao. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

Ở giai đoạn này, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 6,5-7,5% một năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người khoảng 27.000-32.000 USD; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Ảnh: Ngọc Tiến 

Trao đổi với phóng viên Lao Động bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai khoá XV, bà Phạm Thị Hồng Yến - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, mục tiêu của Quy hoạch tổng thể Quốc gia là kim chỉ nam, là động lực để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và có những phương án huy động nguồn lực. 

Quy hoạch đã định hướng sự hình thành phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây dựa trên các đường quốc lộ, cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế. Ưu tiên phát triển hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Có như vậy mới hiện thực hoá được mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, mấu chốt chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu trên chính là yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực. 

Theo bà Nga, trong 10 năm qua, chúng ta đang tận dụng lợi thế nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ nhưng hiện tại, đó không còn là lợi thế nữa. Nguồn nhân lực phải có chất lượng, có trình độ, tay nghề, có ý thức kỷ luật cao. Nếu như không quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta sẽ mãi loay hoay và không thể hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2050 thành nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người khoảng 27.000-32.000 USD.

"Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học sư phạm: Trên thực tế, hệ thống các trường quá nhiều và thậm chí tràn lan.

Thậm chí, mỗi tỉnh có vài trường đại học, đào tạo các ngành giống nhau, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tuyển sinh. Các trường cấp tỉnh phải hạ chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn tới chất lượng đầu vào chưa cao", bà Nga nói.

Vẫn còn lo ngại

Trong khi đó, tại phiên họp tổ bàn về Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) nêu băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu nêu trên. Bởi theo ông, vượt qua bẫy trung bình đã khó, còn vượt xa như vậy sẽ là thách thức.

Trong khi đó, đặt ra được mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo, còn nếu mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn.

"Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới năm 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050", ông Hùng nói.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho biết, GDP bình quân đầu người hiện mới chỉ đạt hơn 4.000 USD.

Đại biểu tính toán, nếu Việt Nam tăng trưởng kinh tế ở mức 7% thì GDP bình quân đầu người giai đoạn 2021-2030 chỉ khoảng hơn 6.000 USD. Với mục tiêu này, ông đề nghị cơ quan lập quy hoạch tính toán lại trong tương quan tăng trưởng toàn nền kinh tế. Chỉ khi đánh giá kỹ thực trạng hiện nay thì mới có những giải pháp phù hợp, khắc phục được những điểm cản trở, giúp kinh tế Việt Nam phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn