MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc không mua bảo hiểm thân vỏ sẽ làm chủ tàu đối diện nguy cơ trắng tay khi tàu gặp sự cố. Ảnh: Hải Đăng

Làm gì để tăng số lượng tàu cá mua bảo hiểm thân vỏ tại Nghệ An?

QUANG ĐẠI LDO | 13/09/2023 14:28

Tình trạng tàu cá không mua bảo hiểm thân vỏ dẫn đến chủ tàu trắng tay khi gặp sự cố đang là một bài toán nan giải tại Nghệ An.

Ngày 13.9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích (Diễn Châu) cho biết: “Hiện nghiệp đoàn của chúng tôi có 132 tàu cá, trong đó có 76 tàu từ 15m trở lên (90 VC -120CV) nhưng hầu hết các chủ tàu không mua bảo hiểm thân vỏ. Đây là vấn đề rất nan giải”.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) cho biết trong khoảng 100 tàu cá thuộc nghiệp đoàn nghề cá Sơn Hải, chỉ có khoảng 15 tàu có mua bảo hiểm.

Vào ngày 28.7, tại cảng Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu) xảy ra vụ hỏa hoạn làm 5 tàu cá bị cháy hoàn toàn, với tổng giá trị thiệt hại lên với vài chục tỉ đồng. Trong số 5 tàu bị cháy, chỉ có 1 tàu mua bảo hiểm thân vỏ.

Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Sơn Hải, việc chủ tàu không mua bảo hiểm sẽ phải đối diện với nguy cơ trắng tay, vỡ nợ nếu tàu gặp tai nạn, sự cố. Do đó, trong thời gian qua, nghiệp đoàn nghề cá và nhiều tổ chức thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân mua bảo hiểm, nhưng kết quả chẳng được là bao.

Theo thống kê, Nghệ An hiện nay có 2.467 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Số tàu thuyền, phương tiện đánh cá dưới 6m có khoảng gần 1.000 chiếc. Số thuyền viên tàu cá toàn tỉnh có khoảng 20 nghìn người.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục Thủy sản Nghệ An Trần Như Long cho biết: Nguyên nhân chủ tàu cá không mua bảo hiểm thân vỏ do phí bảo hiểm khá lớn, khi tàu gặp sự cố để được bồi thường không đơn giản, nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài.

Trong khi đó, phía nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm cũng không mặn mà do chi phí bồi thường quá lớn, dễ bị thua lỗ, trong khi sự cố xảy ra trên biển, rất khó xác định chính xác nguyên nhân.

“Do cả ngư dân và phía doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà nên có tình trạng nhiều chủ tàu không mua bảo hiểm thân vỏ, đồng nghĩa với việc chủ tàu phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại nếu tàu cá gặp sự cố” – ông Trần Như Long cho hay.

Về giải pháp, theo ông Trần Như Long, cần có sự nghiên cứu để tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm đơn vị kinh doanh bảo hiểm không bị thua lỗ và chủ tàu được hưởng quyền lợi bồi thường khi tàu cá gặp rủi ro.

“Theo tôi, cần nghiên cứu giải pháp tăng mức phí bảo hiểm, phần tăng thêm này nhà nước nên xem xét hỗ trợ cho chủ tàu cá để bảo đảm sự cân bằng lợi nhuận của doanh nghiệp và khuyến khích chủ tàu cá tham gia mua bảo hiểm thân vỏ” – ông Trần Như Long trao đổi.

Đại diện Chi cục Thủy sản Nghệ An cũng cho biết có tình trạng thuyền viên không mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, mặc dù đây là khoản bảo hiểm bắt buộc và mức phí không lớn (khoảng vài trăm nghìn/người/năm).

Chi cục Thủy sản Nghệ An cho rằng cần có những giải pháp xử lý hành chính đối với những cá nhân vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của thuyền viên trong việc tham gia mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn