MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy nước sạch thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) - một trong 5 nhà máy nằm trong chương trình NTP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện ngừng hoạt động, bỏ hoang. Ảnh: Trần Tuấn

Làm rõ dấu hiệu vi phạm những nhà máy bỏ hoang, vẫn cấp nước ở Hưng Yên

Trần Tuấn LDO | 25/04/2023 06:11

Tỉnh Hưng Yên cần làm rõ dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công, dấu hiệu trốn thuế tại 16 dự án nhà máy nước sạch nằm trong chương trình NTP. Đồng thời, rà soát tổng thể, có biện pháp xử lý đối với các nhà máy bỏ hoang, dừng hoạt động đã lâu.

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh việc hoạt động của 16 nhà máy nước sạch nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn (chương trình NTP) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, các nhà máy này có 60% vốn của Nhà nước nhưng từ lâu đã được giao cho các công ty tư nhân quản lý và không có đóng góp bất cứ nguồn thu nào về ngân sách.

Bên cạnh đó, một số nhà máy từ lâu đã bỏ hoang, không hoạt động, trở thành trung gian mua buôn nước sạch từ đơn vị khác cung cấp cho người dân. Đáng nói, khi thu tiền nước sạch của người dân, một số nhà máy nước chỉ thu theo sổ, không cấp hoá đơn theo quy định. 

Có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho biết, việc tỉnh Hưng Yên giao các dự án có 60% vốn ngân sách Nhà nước cho các công ty tư nhân quản lý, sau đó các công ty này lại không trích nộp nguồn thu về Ngân sách theo tỉ lệ Nhà nước đã đầu tư, có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Anh Huy

"Trước hết việc Nhà nước đầu tư 60% ngân sách cho các dự án nước sạch và sau đó giao cho chính quyền cấp xã. Thì sau đó, UBND cấp xã phải có vai trò quản lý các công trình này.

Đồng thời thu tiền nước thì phải thu về cho ngân sách sau khi đã giảm trừ theo tỉ trọng đóng góp từ phía công ty tư nhân. Để ít nhất là sẽ bồi hoàn được ngân sách Nhà nước đã cấp ra. Đó là nguyên tắc hạch toán, kế toán và quản lý sử dụng vốn đầu tư công", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích thêm, hiện nay chúng ta có 4 cấp ngân sách gồm xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Nếu ngân sách Trung ương cấp cho dự án thì phải thu về cho ngân sách Trung ương. Trong trường hợp ngân sách Trung ương coi là cấp vốn cho xã hoặc huyện thì UBND xã hoặc UBND huyện phải đứng ra thu về.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trong Thịnh, một số dự án xuống cấp, bỏ hoang phải mua buôn nước từ đơn vị khác bán cho người dân thì cũng phải tính toán giá hợp lý.

"Nếu các nhà máy nước này mua buôn từ đơn vị khác rồi bán cho người dân với giá kinh doanh thì người dân có quyền được lựa chọn mua nước trực tiếp từ đơn vị đó, không phải qua trung gian", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng cần làm rõ việc giao dự án cho các công ty tư nhân đã đúng quy định của pháp luật hay chưa.

Ai là người ký bàn giao, đơn vị nào được giao giám sát sau khi giao dự án cho tư nhân mà để tình trạng tư nhân tự thu chi, không đóng góp về ngân sách Nhà nước theo quy định.

PGS.TS Bùi Thị An. Ảnh: Hải Nguyễn

"Theo tôi, tỉnh Hưng Yên cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các nhà máy này từ khi đầu tư, xây dựng, hiệu quả đến đâu, nhà máy nào làm tốt, nhà máy nào không làm tốt, nguyên nhân vì sao và tìm cách khắc phục sớm nhất có thể", PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Có dấu hiệu trốn thuế

Cùng trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nhận định việc một số công ty thu tiền nước của người dân tại Hưng Yên nhưng chỉ ghi chép bằng sổ thu, không xuất hoá đơn như Báo Lao Động đã phản ánh là có dấu hiệu trốn thuế.

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải có nghĩa vụ lập hóa đơn để giao cho người mua, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo.

Luật sư Quách Thành Lực. Ảnh: Thuận Thiên

"Nếu xác định được hành vi không xuất hoá đơn theo quy định, các doanh nghiệp này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa là 20.000.000 đồng.

Nếu bị cơ quan thuế phát hiện hành vi trốn, gian lận thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn và gian lận.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc lập hóa đơn theo quy định và nộp đủ số tiền trốn thuế vào ngân sách Nhà nước", Luật sư Quách Thành Lực nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn