MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm rõ hình thức kỷ luật hành chính bảo đảm tương xứng với kỷ luật đảng

HẠNH AN LDO | 22/04/2024 15:32

Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể hình thức kỷ luật hành chính thế nào là bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cử tri tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quy định tại Khoản 6, Điều 2, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18.9.2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức: Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Tuy nhiên, hiện nay, các hình thức kỷ luật của Đảng đối với Đảng viên chính thức có 4 hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Các hình thức kỷ luật hành chính đối với từng đối tượng (cán bộ, công chức quản lý, công chức, viên chức) là các mức khác nhau...

"Do đó, rất khó xác định thế nào là hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với kỷ luật theo hình thức kỷ luật của đảng” - cử tri tỉnh Lạng Sơn băn khoăn.

Theo đó, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể hình thức kỷ luật hành chính thế nào là bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng để địa phương thực hiện thống nhất.

Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Nội vụ đã có công văn trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thì không có hình thức xử lý kỷ luật “khai trừ”.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện trong việc xác định hình thức xử lý kỷ luật tương xứng giữa Đảng và chính quyền, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20.9.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP) quy định: Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng.

Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất (khai trừ) thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất (buộc thôi việc) nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Nghị định này.

Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý.

Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn