MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách tại các Cảng hàng không tăng mạnh sau dịch COVID-19. Ảnh: NIA

Làm rõ nguyên nhân chậm, huỷ các chuyến bay

Đặng Tiến LDO | 01/07/2022 07:00

Lượng khách tại các cảng hàng không gia tăng khiến tình trạng chậm, huỷ chuyến bay tăng mạnh. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý.

Hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các tháng gần đây, nhu cầu đi lại của người dân tăng nhanh và hoạt động vận tải hàng không cũng đang dần được phục hồi. Đối với các chuyến bay khai thác nội địa, lượng hành khách và sản lượng hàng hoá thông qua các cảng 6 tháng đầu năm đạt 40,7 triệu khách (tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021). Cụ thể, lượng khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách (tăng 904,6%) và khách nội địa đạt 38,9 triệu khách (tăng 52,6%). Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng nhiều chuyến bay bị huỷ hoặc chậm chuyến đang có xu hướng gia tăng gây bức xúc cho hành khách.

Một số cảng đã vượt công suất thiết kế điều này đã khiến tình trạng chậm, huỷ chuyến tăng mạnh. Theo thống kê chỉ trong tháng 6.2022 đã có trên 5.600 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm chuyến. Để khắc phục tình trạng trên, đặc biệt trong dịp cao điểm hè, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hãng hàng không, xác định nguyên nhân chậm, huỷ chuyến để đưa ra các giải pháp xử lý. Đồng thời yêu cầu các hãng hàng không tuân thủ các quy định về  an ninh, an toàn hàng không, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển trong điều kiện chậm huỷ chuyến.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất do hạ tầng quá tải tại 2 sân bay đầu cầu là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện đường băng của 2 sân bay này đã được sửa chữa, tuy nhiên vẫn chưa hạ cánh đồng thời được do 2 đường băng quá sát nhau. Đại diện một hãng bay cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải khiến các tàu phải bay lòng vòng trên trời, khi giá nhiên liệu đắt (trung bình 1 phút bay mất khoảng 2 triệu đồng tiền xăng, nay chi phí gấp đôi).

Tránh ùn ứ sân bay

Theo thống kê, hiện sản lượng vận chuyển tại sân bay Nội Bài tăng trưởng “nóng”, vượt công suất thiết kế của Nhà ga hành khách quốc nội. Sản lượng bay quốc nội tại Nội Bài tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, thời điểm đỉnh cao trước khi có dịch COVID-19. Mỗi ngày, sản lượng hành khách đều lập đỉnh mới, dự báo vào tháng 7.2022, lượng khách có thể lên đến trên 110.000 lượt khách/ngày. Hiện sản lượng vận chuyển nội địa tại Nội Bài đã vượt quá công suất thiết kế vì Nhà ga hành khách T1 được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2001, đến nay đã được hơn 2 thập kỷ.

Trong quá trình phục vụ hành khách, đặc biệt mùa cao điểm, có thể phát sinh những tình huống bất khả kháng khiến một số chuyến bay phải lùi giờ khởi hành. Chủ yếu hiện nay là do đang mùa mưa bão tại một số sân bay lớn trong nước, tình hình thời tiết xấu, mưa giông lớn gây tắc nghẽn không lưu mặt đất, trên trời và chậm dây chuyền. Các nguyên nhân thường thấy tiếp theo có thể kể đến giới hạn về cơ sở hạ tầng phục vụ của sân bay, slot cất hạ cánh, nên các máy bay phải lùi giờ cất, hạ cánh chờ đến lượt; hành khách phát sinh vấn đề cần phải rời tàu bay như ốm, mệt, cấp cứu nên chuyến bay phải đồng bộ hóa lại hành khách, hành lý, dẫn tới delay…

Sự phục hồi quá nhanh sau đại dịch COVID-19 đang gây ra những áp lực cho ngành hàng không toàn cầu. Tại Nội Bài cũng như các cảng hàng không trực thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, nhiều giải pháp đã được áp dụng, mọi mắt xích trong chuỗi dây chuyền phục vụ chuyến bay đều được siết chặt nhằm cùng nhau nỗ lực đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại bùng nổ của người dân. Trong khi đó, hiện xe buýt từ nhà ga ra đến tàu bay phải mất khoảng 24 phút, cùng đó do thời tiết thất thường đặc biệt tại Tân Sơn Nhất và như vậy sẽ kéo theo delay dây chuyền đến các sân bay khác. Trong khi đó, lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 5%. Nếu Cục hàng không Việt Nam không chỉ đạo quyết liệt, nhất là rút ngắn thời gian quay đầu của các tàu thì không thể giải quyết được vấn đề chậm, huỷ chuyến.

Để giải quyết vấn đề này đại diện Vietjet khuyến cáo hành khách hãy đến sân bay làm thủ tục sớm hơn để và thường xuyên kiểm tra tin nhắn và email để theo dõi hành chính một cách chính xác nhất. Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho rằng, ngoài vấn đề hạ tầng ảnh hưởng đến các chuyến bay nội địa, tại các chuyến bay quốc tế của VNA từ các sân bay nước ngoài tại Châu Âu và Úc cũng bị chậm do thiếu nhân lực phục vụ tại sân bay. Các hành khách bị ảnh hưởng bởi chuyến bay lùi giờ khởi hành được VNA hỗ trợ theo quy định, tùy theo mức độ và nguyên nhân khiến chuyến bay bị lùi giờ khởi hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn