MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ phá rừng ở huyện vùng biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: T.X

Lâm tặc phá gần 400ha rừng ở Đắk Lắk chỉ trong vòng hơn 15 ngày

BẢO TRUNG LDO | 12/04/2022 11:17
Vụ phá gần 400ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) được các đối tượng bàn bạc tổ chức lên kế hoạch triển khai một cách bài bản. Đây là vụ việc nghiêm trọng, cá nhân các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng lẫn những đối tượng phá hoại phải bị xử lý nghiêm để răn đe...

Hơn 15 ngày gần 400ha rừng “bốc hơi”

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoài Dương -  Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ, xác định từng đối tượng liên quan trong vụ phá gần 400ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp).

Nguồn gốc rừng trước đây được UBND huyện Ea Súp giao cho các nhóm hộ ở xã trông coi. Nhưng đến năm 2020, nhận thấy các nhóm hộ quản lý không hiệu quả nên UBND huyện thu hồi đưa về UBND xã quản lý. Sau đó, một doanh nghiệp xin khảo sát nghiên cứu thuê đất để triển khai dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn trái, cây công nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý vẫn còn nhiều vấn đề chưa xong.

Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã ngay lập tức chỉ đạo người vào kiểm tra, làm rõ. 

Thực tế, UBND xã chỉ đang chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước nhưng vẫn phải có trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng quy mô lớn. UBND xã thời gian qua cũng chỉ giao dân quân tự vệ, địa chính, kiểm lâm địa bàn, công an phối hợp quản lý bảo vệ nhưng lâu lâu cũng chỉ đi vào xem thử rừng như thế nào. Vì vậy, cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cũng cần được đánh giá cụ thể lại để xử lý theo quy định của pháp luật”. 

Ông N.V.L, nhà ở gần khu vực phá rừng xác nhận: “Thời điểm lâm tặc cắt cây rừng tôi đều biết. Trong khoảng 15 ngày giữa tháng 3.2022, cứ vào mỗi buổi tối, các nhóm lâm tặc đã sử dụng cưa máy vào cắt hạ cây rừng. Nhóm đối tượng sử dụng rất nhiều cửa máy nên tôi ngồi ở nhà nghe rất rõ tiếng cưa. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, tôi không thấy lực lượng nào vào xử lý vụ việc, bản thân tôi cũng không dám báo vì sợ bị trả thù”.

Còn theo ông L.M.T, nhân viên của Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê (đơn vị đang khảo sát khu vực rừng này để làm dự án) cũng cho hay, trong thời gian ở đây, ông nghe tiếng cưa máy cắt rừng vào ban đêm nhưng không dám ra kiểm tra mà chỉ điện thoại báo cho lãnh đạo công ty.

Nhiều lần báo phá rừng nhưng bị ngó lơ !?

Như Lao Động đã thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện vụ phá rừng lớn tại xã Ya Tờ Mốt. Diện tích rừng bị các đối tượng cưa hạ khoảng 100ha (xác minh sơ bộ) thuộc tiểu khu 205, nằm giữa hai xã Ia Rvê và xã Ya Tờ Mốt.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đo đạc cụ thể, chi tiết tại hiện trường thì diện tích rừng bị thiệt hại lên đến khoảng 300ha và sau đó lên đến gần 400ha. Tại hiện trường, hàng ngàn cây dầu, cùng các loại cây rừng khác có đường kính từ 5cm đến trên 20cm bị cưa đổ ngổn ngang. Nhiều cây lá còn xanh, thân đang chảy mủ.

Hiện, Cty TNHH Đất Vàng Ban Mê xin chủ trương khảo sát để lập dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn trái, cây công nghiệp tại các tiểu khu 202, 205, 218 (xã Ya Tờ Mốt).

Ông Nguyễn Văn Hoàng Em - Giám đốc Công ty TNHH Đất vàng Ban Mê - chia sẻ: “Trong quá trình khảo sát, thời gian gần đây cứ vào ban đêm, chúng tôi thường nghe tiếng cưa máy ầm ĩ với số lượng lên đến hàng chục cưa cắt gỗ. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp đều báo cho lãnh đạo UBND xã Ya Tờ Mốt. Vào ngày 21.3, sau khi điện thoại không được, tôi đã nhắn tin báo thẳng lãnh đạo UBND. Phát hiện rừng bị phá với diện tích lớn nhưng đơn vị không thấy cơ quan chức năng vào xử lý”.

Vì vậy, ngày 25.3, ông Hoàng Em gửi văn bản báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm và Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk. Đến ngày 29.3, sau khi công văn đến Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thì ông Hoàng Em nhận được được thông tin Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp đã phối hợp với cơ quan chức năng vào hiện trường.

“Tôi vốn làm trái cây ở miền Tây nên lên đây lập dự án để phát triển thêm. Tôi trồng trái cây công nghệ cao nên chỉ cần khoảng vài chục hécta đất trống là làm oải rồi, cần gì mấy trăm hécta? Các đối tượng có tổ chức đông người vào phá rừng trong thời gian dài, gây thiệt hại gần 400ha rừng nhưng cả lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng là UBND xã Ya Tờ Mốt đều không biết là rất vô lý” - ông Hoàng Em nói.

Ngoài ra, ông Hoàng Em, cho biết, trong những lần báo tin, lực lượng chức năng có vào hiện trường nhưng khi vào đến nơi thì những đối tượng phá rừng đã bỏ đi. Như vậy, liệu cơ quan chức năng địa phương có biết rừng đang bị tàn phá nhưng làm ngơ hoặc không báo cáo vụ việc?.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn