MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trịnh Văn Chiến (thứ 2 từ phải sang) - Ủy viên TƯ Đảng – Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác thăm mô hình trang trại xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Hiếu.

"Làn gió" nông thôn mới trên quê hương xứ Thanh

QUÁCH DU - HƯNG THƠ LDO | 29/12/2019 07:26
Chỉ chục năm trước, khi chúng tôi đến, những bản làng nằm vắt vẻo bên vách núi ở huyện Mường Lát, hay các thôn xã ở vùng trung du huyện Thọ Xuân của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn ngổn ngang với rất nhiều mảng “tối”. Lúc đó, cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, canh tác nông nghiệp lạc hậu, đường sá đi lại và cơ sở vật chất nhìn đâu cũng thấy thiếu… Thế nhưng, từ khi làn gió xây dựng nông thôn mới ùa về, bây giờ đến đâu cũng thấy... sáng.

Từ bản làng nơi miền biên viễn…

Ngót chục năm về trước, để đến được bản Sáng (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi phải mất gần 1 ngày, với cung đường chừng 250 cây số xuất phát từ TP. Thanh Hóa. Khi đến huyện Mường Lát, sẽ tiếp tục “đánh đu” với đoạn đường đất đèo dài chừng 25km đầy hiểm trở. Lúc ấy, con nước ở dòng suối Sim chảy qua bản Sáng vẫn trong xanh,  hiền hòa như bây giờ, nhưng dân bản thì nghèo lắm. Đến nỗi, ban ngày người dân chạy cơm từng bữa, tối đến thì cả bản chìm trong màn đêm, họa hoằn lắm mới có đốm sáng ở vài nóc nhà sàn nhờ ánh điện từ chiếc máy phát điện mini…

Bản Sáng ngày hôm nay. Ảnh: Quách Du.

Bẵng đi thời gian, khi lên đường trở lại bản Sáng, những cung đèo đất đá xưa kia đã được tráng nhựa phẳng lỳ nên xe môtô có thể chạy phăng phăng xuyên bản. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn kiên cố, xen lẫn với những căn nhà ngói đỏ tươi, rồi những rặng hoa bên đường đua nở lẫn trong tiếng róc rách chảy của dòng suối Sim.

Người đầu tiên ghé thăm là ông Lương Phúc Thẩm, một gia đình nghèo “rớt mùng tơi” mà trước kia chúng tôi từng xin tá túc qua đêm khi đến bản Sáng. Đứng trước cửa nhà, chúng tôi phải hỏi người đi đường cho chắc chắn, bởi trên nền đất gần 10 năm trước, nay là một căn nhà khang trang. Mở cửa đón khách, ông Thẩm bây giờ còn trẻ hơn cả lần gặp trước, ông cười tươi như hoa, bảo rằng bây giờ không chỉ thoát nghèo mà còn làm trưởng bản. Bên bếp lửa hồng và ly rượu bản, ông Thẩm kể lại thời khốn khó, rồi quá trình bản Sáng thoát khỏi nghèo đói là nhờ “nông thôn mới”.

Những ngôi nhà mới sắp được dựng lên tại bản Sáng. Ảnh: Quách Du.

Trước, bản Sáng nổi tiếng vì xa trung tâm, giáp biên giới, không chỉ nghèo về kinh tế. Khi nghe về chương trình xây dựng nông thôn mới, đến người có chút chữ nghĩa như ông Thẩm cũng tù mù, chẳng rõ nông thôn mới là gì. “Ở bản ai cũng nghèo, phong tục lạc hậu, tỉ lệ người mù chữ rất cao. Nói xóa đói giảm nghèo còn biết, chứ nông thôn mới thì chịu, chẳng mấy ai hay” – ông Thẩm, nhớ lại.

Từ năm 2012, bản Sáng được chọn là điểm để xây dựng nông thôn mới của huyện. Kể từ đó, ông Thẩm cùng người dân trong bản được các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn và vận động các bước thực hiện. Rồi bản được đầu tư về cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Dần dà hiểu ra nông thôn mới không chỉ là xóa đói giảm nghèo mà còn xây dựng một cuộc sống tốt hơn, nên dân làng hưởng ứng nhiệt tình.

Từ sự chung tay, nỗ lực không ngừng của dân bản và chính quyền các cấp, đến năm 2014 bản Sáng đã hoàn thành 14/14 tiêu chí và được công nhận, trở thành bản làng đầu tiên của huyện Mường Lát đạt chuẩn nông thôn mới.

Những ngôi nhà sắp được dựng lên - Đoàn viên thanh niên góp công xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HT.

Ông Thẩm cho biết thêm, kể từ khi bản Sáng đạt chuẩn nông thôn mới, cả bản không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1 hộ, bản không còn cảnh tối tăm khi điện sáng được lắp đặt đến từng ngõ. Cùng với đó, người dân được chuyển giao, áp dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa lai, dưa hấu, chăn nuôi và trồng rừng sản xuất.

Đến nay, trung bình mỗi người dân trong bản có thu nhập từ 19-21 triệu đồng/năm, con em trong bản không phải thất học và đã xóa mù chữ cho người dân, đời sống nhân dân được nâng cao, vấn đề an ninh trật tự rất ổn định, hiện bản không có người nghiện ma túy.

Đến nông thôn mới nơi “chân núi”, “chân đồng”

Sau 10 năm triển khai, ở Thanh Hóa đã có 5 huyện được công nhận nông thôn mới. Trong đó, huyện Thọ Xuân được xem là một điển hình trong xây dựng nông thôn mới, bởi nơi này không được thuận lợi cả về địa hình lẫn kinh tế. Thọ Xuân ở vị trí chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng và trung du, miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Vì ở “chân núi”, “chân đồng”, cách trung tâm tỉnh mấy chục cây số, dân cư lại sinh sống bằng nghề nông manh mún, nên nguồn lực tài nguyên chưa được khai thác, phát huy hiệu quả.

Vùng sản xuất rau an toàn tại xã Thọ Hải. Ảnh: HT.

Năm 2011, huyện Thọ Xuân bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, phần lớn các tiêu chí chưa đạt là các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, cần nhiều vốn. Từ việc xác định được những khó khăn gặp phải, để thực hiện hiệu quả, huyện Thọ Xuân đã thành lập ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, rà soát thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để định hướng cho công tác quy hoạch, lập đề án nông thôn mới.

Đơn cử, như xã Xuân Hòa (huyện Thọ Xuân) có đến 407,94ha đất nông nghiệp, nơi này cũng thuần nông nên địa phương quyết định đầu tư thành vùng chuyên canh với các cây trồng chất lượng cao. Để làm được điều này, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã Xuân Hòa còn hỗ trợ thêm một phần kinh phí để người dân sản xuất hoặc có cơ chế để tích tụ ruộng đất.

“Ví dụ như trước nay bà con ở đây chỉ sản xuất 2 vụ chính, còn vụ đông thì đất để hoang. Để tận dụng quỹ đất cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng, xã hỗ trợ cho người dân ít kinh phí nếu bà con sản xuất vụ đông. Như vụ đông này, toàn xã có 229ha đất được phủ kín bằng cây ngô, ớt...” – ông Trịnh Đình Tuấn - Phó Chủ tịch xã Xuân Hòa chia sẻ.

Mô hình trồng Dưa vàng trong nhà lưới tại xã Xuân Bái. Ảnh: HT.

Ngoài việc hỗ trợ kinh phí và cơ chế, thì chính quyền còn hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình như trồng dưa lưới trong nhà kính, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trồng rau sạch... đem lại thu nhập cao.

Ông Lê Tiến Dũng – Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân – phụ trách lĩnh vực nông thôn mới cho hay, từ lúc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế của huyện Thọ Xuân đã chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp- xây dựng- thương mại và dịch vụ. Cơ cấu giá trị sản xuất nông-lâm- thủy sản chiếm 16,7%, công nghiệp xây dựng chiếm 50,2%, dịch vụ thương mại chiếm 33,1%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển toàn...  Những kết quả nổi bật đạt được sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn Thọ Xuân ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

Bây giờ, không chỉ ở Thọ Xuân hay bản Sáng ở Mường Lát, mà đi đến đâu trên đất Thanh Hóa, làn gió về nông thôn mới cũng đã len lỏi đến, đem lại khí thế mới, cuộc sống mới...

Ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa là địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với số lượng xã nhiều nhất cả nước (573 xã, chiếm 6,4% số xã xây dựng nông thôn mới toàn quốc), có 7 huyện nghèo thuộc chương trình 30a, có 100 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh việc chủ động và phát huy nội lực, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nhờ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn