MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trần Mạnh Linh - nhân viên nhà xe Phúc Hưng (tuyến Phú Thọ - Hà Nội) ngán ngẩm khi hàng ghế vẫn vắng khách trước giờ xe xuất bến. Ảnh: Thu Giang

Làn sóng xe khách tháo chạy khỏi bến cố định Hà Nội

THU GIANG LDO | 28/05/2024 06:52

Thời gian qua, loại hình xe tiện chuyến, xe ghép nở rộ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp vận tải chạy cố định ở bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình... phải cắt giảm chuyến, công khai bán xe, bỏ bến vì tụt giảm doanh thu trầm trọng.

Đứng bên bờ vực phá sản

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Đức Hậu - đại diện nhà xe Hậu Thắng (chạy tuyến Phú Thọ - Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua, xe ghép, xe tiện chuyến tung hoành đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định ở bến xe Mỹ Đình tụt giảm doanh thu, thậm chí có đơn vị đang đứng trên bờ vực phá sản.

Dẫn PV đếm lượng hành khách ngồi trên xe, ông Nguyễn Đức Hậu ngán ngẩm cho rằng, dù đã sát giờ xe xuất bến, thế nhưng trên chuyến xe khách vẫn bỏ trống quá 2/3 số ghế. Doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động đến thời điểm này hoàn toàn dựa vào nguồn doanh thu ít ỏi từ phí cước gửi hàng hóa và một số khách hàng vẫn có thói quen vào bến mua vé.

“Những chặng di chuyển ngắn như tuyến Phú Thọ - Hà Nội, nhiều khách hàng thường có thói quen sẽ đặt xe ghép, xe tiện chuyến thay vì phải vào bến chờ xe. Dù là giờ cao điểm thế nhưng trong bến xe Mỹ Đình hiện chỉ có lái xe, phụ xe, vắng bóng hành khách, cảnh tượng này đã quá quen thuộc với tôi khi tình trạng xe dù bến cóc, xe tiện chuyến thời gian qua nở rộ. Từ đầu năm 2024, doanh nghiệp chúng tôi đã phải rao bán 1 chiếc xe, cắt lốt vì lượng hành khách tụt sâu, thậm chí có doanh nghiệp đã rời bỏ bến cố định, giải tán kinh doanh vì lỗ nặng” - ông Hậu nói.

Cũng ngán ngẩm khi hàng ghế vẫn vắng hành khách trước giờ xe xuất bến, anh Trần Mạnh Linh - nhân viên nhà xe Phúc Hưng (chạy tuyến cố định ở bến xe Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ, doanh nghiệp trước đây có 8 chiếc xe hoạt động trong bến nhưng hiện tại chỉ còn 6 xe, rao bán 2 xe từ đầu năm 2024. Thậm chí, do chuyến xe vắng khách, chạy không đủ tiền dầu, trong khi doanh nghiệp hàng năm phải đóng rất nhiều thuế phí như lốt chạy, bến bãi, nếu không cầm cự được thì họ buộc rời khỏi bến cố định vì không thể duy trì hoạt động.

Trước giờ xe xuất bến, nhiều xe khách chạy tuyến cố định tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) vẫn vắng khách đi xe, gửi hàng hóa. Ảnh: Thu Giang

Siết chặt luồng tuyến, hạn chế xe khách bỏ bến cố định

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, từ ngày 1.6.2024, Nghị định 41 của Chính phủ sẽ có hiệu lực. Đáng chú ý, nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về quy định thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với các xe vận tải tuyến cố định.

Trước đây doanh nghiệp, hợp tác xã bị đình chỉ khai thác tuyến và phải nộp lại phù hiệu cho cơ quan cấp khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục. Nhưng khi Nghị định 41 của Chính phủ sửa đổi, doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với lốt đang khai thác khi trong một tháng thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe của lốt đã đăng ký.

Ông Đoàn Ngọc Hùng - Trưởng phòng Điều hành Vận tải, Công ty TNHH Văn Minh - nhận định, trong hoạt động vận tải, để đảm bảo lốt, các nhà xe có thể chủ động điều tiết dựa trên tình hình thực tế. Đối với các xe không khai thác đủ tuyến đăng ký, việc thu hồi lốt là phù hợp, bởi ở bến xe có rất nhiều lốt ảo trong khi những doanh nghiệp cần lại không có. Việc siết chặt luồng tuyến, rà soát lại chặt chẽ những luồng nào không đủ, không hoạt động phải ngưng ngay để xe khác đăng ký là phù hợp với tình hình thực tế ở các bến xe.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - chia sẻ, Nghị định 41 của Chính phủ áp dụng quy định mới về đảm bảo số lượt chuyến theo từng tháng, khiến nhiều doanh nghiệp không còn dám bỏ bến chạy xe dù bên ngoài. Theo chuyên gia, nghị định sửa đổi quy định, yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo 70% số lượt chuyến/tháng rất thiết thực. Khi lượng xe tuyến cố định ổn định, chất lượng dịch vụ tốt sẽ tạo nên sức cạnh tranh với những loại hình khác như xe tiện chuyến, xe dù, bến cóc. Từ đó, tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn