MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng biển 50 năm chôn cất người trôi sông lạc chợ

Hoàng Bin LDO | 24/02/2024 07:33

Gần 40 ngôi mộ vô danh không có người thân thích chăm nom, được người dân làng chài Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam lo hương khói chu toàn suốt 50 năm.

Nghĩa trang của người chết trôi dạt

Làng chài Tam Thanh nổi tiếng với bãi biển thơ mộng và làng bích họa cộng đồng đầu tiên cả nước. Ít ai biết, nơi đây còn có một nghĩa trang chôn cất nhiều người không may gặp nạn, thi thể trôi dạt trên biển.

Nghĩa trũng chôn cất người chết trôi dạt tại xã biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam suốt 50 năm qua. Ảnh: Hoàng Bin

Ông Huỳnh Tấn Chánh (74 tuổi, thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh) làm chủ vạn, lo việc cúng bái, giỗ chung cho những ngôi mộ vô danh ở địa phương cho biết, cách đây chừng 50 năm, khi phương tiện liên lạc còn hạn chế, khi có người chết trôi dạt vào bờ biển, bà con thông báo sau 5 ngày mà không ai đến nhận thì cả làng cùng nhau tổ chức đám tang, chôn cất tử tế.

"Nhiều thi thể trôi dạt trên biển đã lâu, không còn hình hài nguyên vẹn, không biết được tuổi tác, danh tính… bà con ghi lại đặc điểm ban đầu, để tiện cho người thân nhận dạng, nhưng mấy chục năm qua chưa có ai đến tìm. Cả khu mộ giờ có gần 40 ngôi mộ vô danh.

Làng này, hàng trăm hộ dân đều bám biển mưu sinh, nên chúng tôi xem người đã khuất như người thân quen của mình” – ông Chánh kể.

Làng biển chôn cất, thờ cúng người vô danh xấu số như người thân, người quen của mình. Ảnh: Hoàng Bin

Ông Đoàn Văn Định, Bí thư Chi bộ thôn Tỉnh Thủy cho biết, nghĩa trang rộng chừng 500m2, có địa thế bằng phẳng, nằm dưới ngọn đồi, phía trước là miếu thờ, phía sau là nơi yên nghỉ của gần 40 phần mộ cải táng. "Ban đầu thi thể sẽ chôn trên đồi dương liễu, cạnh bờ biển nơi họ được tìm thấy. Sau 3 năm thì cải táng về khu mộ chung, để thuận tiện cho việc thờ cúng hàng năm".

Tình người ở làng biển

Dù không có người thân thích chăm non, nhưng những ngôi mộ không hề hiu quạnh vì luôn được người dân thay nhau quét dọn, trang trí, thờ cúng quanh năm. Đến ngày 1.3 âm lịch sau Tết Thanh Minh, cả làng làm giỗ chung cho những hương hồn vô danh.

“Nghĩa trũng” được người dân góp công, góp tiền tu bổ, nâng cấp, thờ cúng thường xuyên. Ảnh: Hoàng Bin

"Chúng tôi tâm niệm người sống có nhà, người chết có mộ. Những người xấu số gặp nạn phải chôn thân nơi đất lạ cũng là sự không may, nên dân làng tự nguyện làm thay phần việc của người thân họ. Năm vừa rồi, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, bà con đã đóng góp gần 150 triệu đồng và hiến thêm đất, góp công để mở rộng khu nghĩa trang khang trang hơn” – ông Định chia sẻ.

Ông Trương Thanh Khôi, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, địa phương xem đây là việc làm hết sức nhân văn, đáng trân trọng và cũng có định hướng cùng bà con hàng năm định kỳ tu bổ, nâng cấp phần mộ để cho người quá cố được ấm lòng.

“Nghĩa trũng” là nơi giáo dục, nhắc nhở thế hệ mai sau về tinh thần tương thân tương ái của người dân làng biển. Ảnh: Hoàng Bin

“Việc chôn cất, thờ cúng chu toàn những ngôi mộ vô danh không chỉ là nét văn hóa tâm linh ở miền biển, mà còn qua đó giáo dục, củng cố, nhắc nhở thế hệ mai sau về tình người, sẻ chia trong lúc khó khăn” – ông Trương Thanh Khôi nói.

This browser does not support the video element.

Nghĩa trũng vô danh ấm áp tình người làng biển ở Quảng Nam. Clip Hoàng Bin

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn