MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tượng trâu đất được người dân tại làng gốm Thanh Hà bày bán trong những ngày cuối năm. Ảnh: HL

Làng gốm Hội An 500 tuổi "đỏ lửa" nặn tượng ông Táo bán dịp Tết

Hữu Long - Phước Lâm LDO | 30/01/2021 18:30

Làng gốm Thanh Hà, Hội An đang tất bật hoàn thiện những mẻ tượng ông Công, ông Táo cuối cùng để cung cấp cho thị trường cả nước dịp cuối năm.

Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng chạp hằng năm là ngày đưa ông Táo về trời. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất dịp cuối năm của người dân Việt. Cứ mỗi dịp đến ngày này, trên bàn cúng của người dân bao giờ cũng có tượng ông Công, ông Táo mới để cầu một năm may mắn và sung túc.

Làng gốm Thanh Hà nổi tiếng hàng trăm năm qua về nghề làm tượng ông Công, ông Táo. Ảnh: HL

Vào đầu tháng 11 âm lịch, người dân làng gốm Thanh Hà, TP. Hội An lại bắt đầu tất bật chuẩn bị nguyên liệu để bắt đầu sản xuất tượng. Đất sét được người dân lấy từ sâu trong lòng ruộng, phơi khô, sau đó đúc khuôn và bỏ vào lò nung đúng 3 ngày đêm. Tượng Táo quân có đầy đủ hình hài 3 vị, đó là 2 Táo ông ngồi hai bên và Táo bà được đặt ở giữa.

Thời điểm cuối năm, người làng gốm Thanh Hà bắt đầu làm tượng táo quân với đầy đủ hình hài 3 vị. Ảnh: HL

Năm nay, người dân ở đây cũng không sản xuất nhiều tượng ông Công, ông Táo như mọi năm. Ông Nguyễn Văn Xê (làng gốm Thanh Hà, Hội An) cho biết, do giá thành sản phẩm quá rẻ so với công sức bỏ ra nên tượng sản xuất ra không nhiều như mọi năm.

Thay vì chú trọng vào việc làm tượng ông Công, ông Táo vào dịp cuối năm, người dân làng gốm Thanh Hà đang đa dạng hóa sản phẩm của mình từ việc chế tạo ra các sản phẩm hình con trâu như tượng trâu, ống tiết kiệm trâu đất, bình cắm hoa…

Những nghệ nhân làng gốm cho biết, thời gian cho ra một thành phẩm tượng trung bình là một tuần lễ. Ảnh: PL

Các sản phẩm trâu đang rất được ưa chuộng, việc đa dạng sản phẩm như vậy cũng giúp bà con kiếm thêm nguồn thu nhập sau dịch bệnh và thiên tai.

Việc làm thêm các loại tượng trâu giúp sản phẩm gốm ở làng nghề thêm đa dạng qua đó, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn. Ảnh: PL
Những sản phẩm tượng hình trâu được các nghệ nhân của làng gốm vận chuyển đi bán ở các tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Trị... Trung bình, những chú trâu gốm này có giá từ 5.000-200.000 đồng/con tùy loại. Ảnh: PL

Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch UBND phường Thanh Hà, cho biết hiện làng gốm Thanh Hà có trên 24 cơ sở sản xuất, chủ yếu phục vụ du lịch và làm gốm theo đơn của khách hàng.

Số lượng sản phẩm trâu tết làm ra ít hơn mọi năm do lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào xuân nhằm tạo điều kiện trưng bày các sản phẩm gốm, trong đó có hình tượng những chú trâu để thu hút khách du lịch đến với làng nghề” - ông Tú nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn